Trước đó, Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế quan cơ sở 10% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4, cùng các mức thuế đối ứng nhằm vào từng quốc gia là đối tác thương mại của nước này từ ngày 9/4.

Trong số các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, Trung Quốc chịu mức thuế cao hơn. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận mức thuế tổng cộng 104% chính thức áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc từ 12h01 (giờ Mỹ) ngày 9/4.
Mức thuế này gồm 34% thuế đối ứng mà Tổng thống Trump công bố hôm 2/4 vừa qua, cùng 20% thuế cơ sở đã áp dụng và mức phạt bổ sung 50% mà ông Trump tuyên bố ngày 7/4 sau khi Trung Quốc không rút lại quyết định áp thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ.
Hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản chịu mức thuế đối ứng lần lượt là 25% và 24%. Mức này đối với hàng hóa của Campuchia là 49%, trong khi đối với Thái Lan là 36%, Việt Nam bị áp mức thuế 46%, Ấn Độ chịu 20-26%. Còn mức thuế đối ứng với Liên minh châu Âu (EU) là 20%...
Các mức thuế mới của ông Trump làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu – vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái và xóa sổ hàng nghìn tỷ đô la khỏi giá trị thị trường của các công ty lớn.
Kể từ khi ông Trump công bố mức thuế quan của mình vào ngày 2/4, S&P 500 đã chịu mức lỗ lớn nhất kể từ khi chuẩn mực này được tạo ra vào những năm 1950. Hiện tại, nó đang tiến gần đến thị trường giá xuống, được định nghĩa là giảm 20% so với mức cao gần đây nhất.
Trái phiếu chuẩn toàn cầu, tài sản được coi là tương đối an toàn, cũng bị cuốn vào cơn hỗn loạn của thị trường vào ngày 9/4, một động thái đáng lo ngại hướng đến việc bán tháo và tìm kiếm sự an toàn của tiền mặt.
Chính quyền tổng thống Trump đã lên lịch đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận và là đối tác thương mại lớn, và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dự kiến sẽ đến thăm vào tuần tới.
Phó thủ tướng Việt Nam cũng sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent của ông Trump vào cuối ngày 9/4 – theo Reuters.