Chờ...

Tin thế giới sáng 13/2: Viện trợ Syria sau động đất gặp khó khăn | Cộng hòa Cyprus có Tổng thống mới

(VOH) - Một số thông tin khác: Mỹ tiếp tục bắn hạ thêm UFO gần biên giới Canada; Trung Quốc thông báo phát hiện vật thể lạ trên bầu trời.

Mỹ tiếp tục bắn hạ thêm UFO gần biên giới Canada

Truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ một quan chức và một nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho hay quân đội nước này đã bắn hạ một vật thể bay không xác định (UFO) có hình bát giác trên Hồ Huron ở gần biên giới Canada vào chiều 12/2 (giờ địa phương).

Theo Lầu Năm Góc, tuy chưa gây ra mối đe dọa an ninh nào, tuy nhiên với tầm bay khoảng 6.100m, vật thể nói trên có thể gây ảnh hưởng đến các đường bay thương mại và tiềm ẩn nguy cơ thực hiện giám sát trên không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden là người ra chỉ thị bắn hạ. Tiêm kích F-16 đã được triển khai cho nhiệm vụ bắn hạ lần này. Vụ việc này đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp một vật thể không xác định bị bắn hạ trên không phận Bắc Mỹ, tiếp sau các động thái tương tự ở miền Bắc Canada vào ngày 11/2 và trong không phận Alaska hôm 10/2.

Tin thế giới sáng 13/2: Viện trợ Syria sau động đất gặp khó khăn | Cộng hòa Cyprus có Tổng thống mới
Tiêm kích F-16 của Mỹ khai hỏa tên lửa Sidewinder. Đây cũng là tên lửa được dùng bắn rơi UFO bay trên Hồ Huron hôm 12/2/2023 Ảnh: Reuters

Lực lượng đối lập ngăn cản viện trợ động đất tại Syria

Ngày 12/2, một phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cho biết viện trợ động đất của chính phủ Syria cho lãnh thổ do lực lượng đối lập kiểm soát đã bị trì hoãn. Điều này xảy ra do vấp phải sự ngăn cản của nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Văn phòng truyền thông của HTS chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Một nguồn tin của HTS tại Idlib cho biết HTS sẽ không cho phép bất kỳ chuyến hàng nào đến từ khu vực do chính phủ Syria kiểm soát. Nhóm chỉ chấp nhận viện trợ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc.

Số người chết vì thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt 33.000 người; trong đó ở Thổ Nhĩ Kỳ là 29.605 người và Syria là 3.574 người đã thiệt mạng. Tại Syria, thảm họa ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do phiến quân kiểm soát, khiến nhiều người mất nhà cửa lần thứ hai sau khi phải di dời do cuộc nội chiến đang diễn ra.

Tin thế giới sáng 13/2: Viện trợ Syria sau động đất gặp khó khăn | Cộng hòa Cyprus có Tổng thống mới
Các tình nguyện viên của Lực lượng Phòng thủ Dân sự Syria làm việc tại một khu vực bị thiệt hại do động đất. Ảnh: Reuters

Cựu Ngoại trưởng Nikos Christodoulides đắc cử Tổng thống Cộng hòa Cyprus

Kết quả chính thức vòng bỏ phiếu thứ hai cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Cyprus cho thấy ứng viên Nikos Christodoulides giành được 51,9% số phiếu bầu; và đối thủ của ông là Andreas Mavroyiannis giành được 48,1% số phiếu. Như vậy cựu Ngoại trưởng Nikos Christodoulides, 49 tuổi, đã trở thành Tổng thống Cộng hòa Cyprus nhiệm kỳ mới.

Theo Reuters, vị Tổng thống tiếp theo của Cộng hòa Cyprus sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề - từ giải quyết các vấn đề chia rẽ dân tộc liên quan đến người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, các mâu thuẫn trong lực lượng lao động trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cho đến xử lý hậu quả từ các vụ bê bối tham nhũng và làn sóng di cư tăng đột biến vào nước này.

Tin thế giới sáng 13/2: Viện trợ Syria sau động đất gặp khó khăn | Cộng hòa Cyprus có Tổng thống mới
Ông Nikos Christodoulides bên ngoài một điểm bầu cử ở Geroskipou, Cộng hòa Cyprus ngày 12/2/2023. Ảnh: Reuters

Trung Quốc thông báo phát hiện vật thể lạ trên bầu trời

Theo Paper, Cục Phát triển Hàng hải Thanh Đảo ngày 12/2 đã gửi thông báo tới các tàu đánh cá rằng một vật thể bay không xác định được phát hiện gần bờ biển Nhật Chiếu, gần thành phồ cảng Thanh Đảo ở vùng đông nam Trung Quốc. Các nhà chức trách đang tính phương án bắn hạ vật thể này.

Các tàu đánh cá đã được lệnh duy trì trạng thái cảnh giác cao độ và "tránh mọi rủi ro", nhưng thông tin thêm về vật thể này chưa được thông báo.

Tin thế giới sáng 13/2: Viện trợ Syria sau động đất gặp khó khăn | Cộng hòa Cyprus có Tổng thống mới
Cảng Thanh Đảo nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg

Sự việc diễn ra một tuần sau khi Mỹ bắn hạ một khí cầu Trung Quốc trên Đại Tây Dương vì cho rằng đây là thiết bị do thám của Bắc Kinh. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, khẳng định khí cầu được sử dụng với mục đích nghiên cứu khí tượng, và đã vô tình đi vào không phận Mỹ. Họ cũng chỉ trích Washington phản ứng thái quá khi bắn hạ khí cầu.