Theo báo cáo của Goldman Sachs, kế hoạch áp thuế 10% với dầu nhập khẩu vào Mỹ có thể làm suy yếu lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu ở Canada, Mexico và Mỹ Latinh, gây tổn thất khoảng 10 tỉ USD mỗi năm.
Nguyên nhân là nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ các nước này, trong khi thị trường thay thế và công nghệ chế biến tại các nước xuất khẩu còn hạn chế.

Dự kiến, thuế suất mới sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2025, muộn hơn so với đề xuất ban đầu. Theo đó: Dầu nhập khẩu từ Mexico sẽ bị áp thuế 25%. Dầu nhập khẩu từ Canada chịu mức thuế 10%
Mặc dù vậy, Goldman Sachs nhận định Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ dầu nặng hàng đầu thế giới nhờ hệ thống nhà máy lọc dầu công nghệ cao và chi phí chế biến thấp, giúp duy trì lợi thế cạnh tranh.
Goldman Sachs ước tính, nếu mức thuế này được áp dụng, giá dầu thô nhẹ sẽ phải tăng khoảng 50 cent/thùng để dầu từ Trung Đông có thể cạnh tranh với thị trường Mỹ.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ có thể phải chi thêm khoảng 22 tỉ USD/năm do chi phí nhiên liệu tăng.
Ngược lại, chính phủ Mỹ dự kiến thu về khoảng 20 tỉ USD từ nguồn thuế này, trong khi các nhà máy lọc dầu và giới giao dịch có thể hưởng lợi tới 12 tỉ USD nhờ sự chênh lệch giá giữa dầu nhẹ Mỹ và dầu nhập khẩu.
Canada, nước xuất khẩu dầu lớn nhất sang Mỹ, sẽ tiếp tục vận chuyển khoảng 3,8 triệu thùng/ngày qua hệ thống đường ống dẫn. Tuy nhiên, giá dầu Canada sẽ bị ép giảm để bù đắp tác động của thuế quan.
Tương tự, khoảng 1,2 triệu thùng/ngày dầu thô nặng từ Mexico, Venezuela và Canada được vận chuyển bằng đường biển sẽ phải giảm giá để duy trì dòng chảy vào Mỹ.
Goldman Sachs nhấn mạnh, các nhà sản xuất dầu của Canada - vốn có ít khách hàng thay thế - sẽ phải chịu phần lớn gánh nặng thuế quan bằng cách giảm giá bán để giữ vững thị phần.