Trong sự kiện kỷ niệm 23 năm ngày ông thành lập đảng cầm quyền, cựu Tổng thống Yudhoyono nếu lên vấn đề được gọi là “2 mặt trời”. Ông nói: “Một quốc gia, một thực thể, hay một đảng chính trị sẽ hỗn loạn nếu có nhiều mặt trời. Bạn có thể tưởng tượng, 1 mặt trời thôi đã nóng rồi. Nếu có 2 thì sao?”
Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto 72 tuổi, chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Indonesia ngày 20/10, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 2. Giới quan sát hiểu ý của ông Yuhoyono, nói đến Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto.
Theo Nikkei Asia, dường như ông Yudhoyono đang chỉ trích Tổng thống đương nhiệm Jokowi, 63 tuổi, người đứng sau hàng loạt động thái chính trị nhằm khẳng định quyền lực gần đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nền dân chủ mong manh của Indonesia. Ví dụ nỗ lực lật đổ người đứng đầu đảng lớn thứ 2 và đàn áp nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất nước.
Ngoài ra, ông Jokowi cũng bị đặt dấu chấm hỏi, khi nỗ lực thay đổi quy tắc bầu cử, để mở đường cho con trai làm ứng viên thống đốc. Ông còn khôi phục cơ quan cố vấn cho Tổng thống, làm người dân nhớ đến giai đoạn của nhà độc tài Suharto từ 1966 đến 1998.
Giáo sư Andrew Delios từ đại học quốc gia Singapore cho biết, việc củng cố quyền lực của Tổng thống Jokowi, nhằm tiếp tục chính sách kinh tế ông đang theo đuổi, để hiệu quả như Singapore và Trung Quốc.
Chiến thắng vang dội của ông Prabowo cách đây hơn 7 tháng, 1 phần không nhỏ nhờ sự ủng hộ của Tổng thống Jokowi. Con trai cả của ông Jokowi, là Gibran Rakabuming Raka tranh cử chức phó tổng Tổng thống cùng ông Prabowo. Lợi ích chồng chéo giữa ông Jokowi và Prabowo, dẫn đến nỗ lực chung nhằm dập tắt đảng đối lập trước kỳ bầu cử thống đốc vào tháng 11 tới.
Cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nói: “Một lần nữa họ lại đàn áp. Chính phủ không nên can thiệp vào quá trình hoạt động tự nhiên của các đảng phái chính trị. Nền dân chủ phải được tôn trọng.”
Ông Prabowo từng phát biểu vào tháng 8: “Chúng ta cần hợp tác. Không cần phải sao chép các nền văn hóa khác. Đối lập, cãi vã là văn hóa phương Tây.”
Ngày 27/11 tới, Indonesia sẽ bầu lãnh đạo địa phương, để chọn ra thống đốc của 37 tỉnh và người đứng đầu 508 thành phố lẫn đơn vị cấp huyện. Chiến dịch tranh cử bắt đầu từ ngày 25/9. Lãnh đạo những tỉnh trọng điểm như Jakarta, Tây Java hay Trung Java, có rất nhiều quyền lực, và là bệ phóng để tranh cử Tổng thống trong tương lai. Chính sách của Tổng thống Prabowo, được cho rất cần sự hợp tác từ những lãnh đạo này. Ví dụ cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh.
Theo giới quan sát, không nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Jokowi đang muốn nắm giữ quyền lực bằng cách nào đó, sau khi người kế nhiệm Prabowo nhậm chức.
Tổ chức chống tham nhũng Transparency International Indonesia khẳng định, việc khôi phục hội đồng cố vấn Tổng thống báo hiệu ông Jokowi sẽ gia nhập sau khi từ chức. Hiến pháp đã bất lực trước lòng tham của người cai trị.
Tuy nhiên, ông Jokowi nói rằng, sau khi từ chức sẽ trở về quê nhà ở Trung Java sinh sống.
Trong bài phát biểu gần đây, cựu Tổng thống Yudhoyono cũng tuyên bố lạc quan về tình hình đất nước. Ông chia sẻ: “Cuộc chuyển giao sang Tổng thống đắc cử Prabowo mang đến cho chúng ta cơ hội để xác định lại quỹ đạo. Tôi tin rằng chính phủ tiếp theo sẽ làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao phúc lợi cho người dân và bảo vệ nền dân chủ.”