Ông Biden khẳng định hành động này là “một biện pháp công lý” nhằm đáp trả cho nhiều nạn nhân, trong đó có hàng nghìn người Mỹ, Israel và thường dân Liban.
Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ "quyền tự vệ của Israel" trước các mối đe dọa từ Hezbollah, Hamas, Houthi và những nhóm vũ trang khác có sự hậu thuẫn của Iran. Ông Biden cũng đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tăng cường các biện pháp phòng thủ cho lực lượng Mỹ tại Trung Đông nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh lan rộng.
Sau vụ không kích, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu gia đình các nhà ngoại giao Mỹ tại Beirut rời khỏi Liban, đồng thời cho phép một số nhân viên tự nguyện rời đi do tình hình an ninh tại đây được đánh giá là “khó lường và không ổn định.” Công dân Mỹ tại Liban cũng được khuyến cáo nhanh chóng rời khỏi quốc gia này khi các tuyến đường thương mại vẫn còn hoạt động.
Trong khi đó, nhiều quốc gia Hồi giáo lên án mạnh mẽ hành động tấn công của Israel, cho rằng cuộc không kích đã xâm phạm chủ quyền của Liban. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, với việc Israel tiếp tục thực hiện các đợt không kích vào nhiều mục tiêu của Hezbollah ở miền Đông và miền Nam Liban.
Theo thông báo từ quân đội Israel, vào đêm 27/9, không quân Israel đã tấn công vào trụ sở của Hezbollah tại khu vực phía Nam Beirut, dẫn đến cái chết của Hassan Nasrallah – người đã lãnh đạo phong trào vũ trang này suốt hơn 30 năm. Hezbollah sau đó cũng đã chính thức xác nhận cái chết của thủ lĩnh này.
Ngay sau vụ không kích, vào ngày 28/9, Israel tiếp tục tấn công nhiều mục tiêu khác của Hezbollah tại khu vực Beqaa (phía Đông) và các khu vực phía Nam Liban. Đáp lại, Hezbollah đã bắn hàng loạt rocket về phía Israel, kích hoạt hệ thống còi báo động tên lửa tại nhiều khu vực miền Bắc Israel.