Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tổng thống Putin đề nghị Saudi Arabia mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga

(VOH) - "Saudi Arabia cần ra một quyết định thông minh, như Iran đã mua hệ thống S-300 và như ông Erdogan đã làm bằng quyết định mua hệ thống phòng không hiện đại nhất S-400."

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị Saudi Arabia nên mua hệ thống phòng không của Nga để bảo vệ các cơ sở dầu của nước này trước những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, giống như Iran đã vận hành S-300 và Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400.

Saudi Arabia, nhà máy lọc dầu,

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ankara ngày 16-9. Ảnh: GETTY

“Saudi Arabia cần ra một quyết định thông minh, như Iran đã làm bằng cách mua hệ thống S-300 của chúng tôi và như ông Erdogan đã làm bằng quyết định mua hệ thống phòng không hiện đại nhất S-400 Triump từ Nga. Những loại hệ thống này có khả năng bảo vệ mọi cơ sở hạ tầng ở Saudi Arabia trước bất kỳ kiểu tấn công nào”, ông Putin nói với báo giới tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-9.

Iran vận hành hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất từ năm 2017 và lô tổ hợp hệ thống S-400 đầu tiên đã được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã gây ra xung đột đáng kể với Mỹ vì Washington lo ngại hệ thống của Nga làm tổn hại hệ thống máy tính của tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 của Mỹ - khí tài Ankara đã đặt mua hơn 100 chiếc.

Hãng tin AFP ngày 17-9 dẫn nhận định từ liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen nói rằng 2 nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia có thể bị tấn công "bằng vũ khí đến từ Iran". Đánh giá này làm tăng nỗi lo về một cuộc xung đột trong khu vực sau khi Mỹ úp mở về phản ứng quân sự.

Saudi Arabia, nhà máy lọc dầu,

Người phát ngôn Liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen, ông Turki al-Maliki, trình chiếu một hình ảnh vệ tinh cho thấy cuộc tấn công bằng UAV tại một cuộc họp báo ở Riyadh ngày 16-9 - Ảnh: REUTERS

 Ông Turki al-Maliki, người phát ngôn liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen khẳng định các cuộc tấn công "không xuất phát từ lãnh thổ Yemen" và phiến quân Houthi đang giả vờ nhận trách nhiệm. Người phát ngôn này gọi phiến quân Houthi là "một công cụ trong tay Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (RRGC) và chế độ khủng bố của Iran".

Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng 2 vụ tấn công nhà máy lọc dầu được thực hiện bởi "người Yemen" để trả đũa những vụ tấn công mà liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành ở Yemen.

Phía phiến quân Houthi nói rằng họ đã phóng 10 máy bay không người lái (UAV) nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu Abqaiq - cơ sở sản xuất dầu lớn nhất thế giới - và Khurais ở miền đông Saudi Arabia hôm 14-9 để trả đũa các cuộc không kích của Riyadh trong một cuộc chiến kéo dài 5 năm ở Yemen.

Tuy nhiên, báo New York Times cho biết các quan chức Mỹ giữ các hình ảnh vệ tinh cho thấy các vụ tấn công này - có thể bằng UAV và tên lửa hành trình - đến từ phía bắc hoặc tây bắc. Điều đó cho thấy chúng đã được phóng đi từ phía bắc vịnh Ba Tư, tức có khả năng từ Iran hoặc Iraq thay vì Yemen.

Phát biểu trước báo giới ngày 16-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gần như chắc chắn Iran đứng sau 2 vụ tấn công trên. Dù trước đó tuyên bố đã "khóa mục tiêu và lên nòng", ông Trump vẫn khẳng định Mỹ muốn tránh xảy ra chiến tranh.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: "Tôi không muốn chiến tranh với bất kỳ ai, nhưng chúng tôi sẵn sàng hơn bất kỳ ai".

Saudi Arabia, nhà máy lọc dầu,

Ảnh vệ tinh cho thấy một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia hôm 14-9. Ảnh: REUTERS

Tehran phủ nhận mọi liên quan trong vụ tấn công, cáo buộc chính quyền ông Trump đang cố gắng bôi xấu hình ảnh của Cộng hòa Hồi giáo này nhằm biện hộ cho “các hành động tương lai” nhằm vào Iran.

Về phía Trung Quốc ngày 16-9 cảnh báo sẽ là vô trách nhiệm khi đoán ai là thủ phạm đứng sau các cuộc tấn công vào các nhà máy dầu của Saudi Arabia mà không tiến hành điều tra thích đáng. Mỹ đã đổ lỗi Iran đứng sau những cuộc tấn công này.

“Tôi nghĩ rằng cần quy kết ai mà không có một cuộc điều tra thuyết phục là rất không có trách nhiệm. Quan điểm của Trung Quốc là chúng tôi phản đối mọi động thái mở rộng hoặc làm sâu sắc thêm xung đột”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 16-9.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc các bên liên quan kiềm chế và tránh đưa ra những hành động đưa đến leo thang những căng thẳng trong khu vực.

Theo hãng tin Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga ngày 16-9 thông báo Nga “có những mối lo ngại nghiêm trọng” về vụ tấn công hai cơ sở dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia, đồng thời “kịch liệt lên án” những vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu phi quân sự này. Bộ Ngoại giao Nga nói thêm bất kỳ hành động nào đều có thể dẫn tới sự mất cân bằng trong thị trường năng lượng và đưa tới những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế thế giới nói chung.

Đồng thời, Moscow mạnh mẽ đề nghị chống lại việc vội vàng đưa ra kết luận về người chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công này và xem việc Mỹ thảo luận “các lựa chọn quân sự” để đáp trả vụ tấn công là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Moscow cũng cảnh báo về những nỗ lực “phản tác dụng” trong việc lợi dụng tình hình xung quanh những cuộc tấn công nhà máy dầu của Saudi Arabia để kích động căng thẳng với Iran.

Bình luận