Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã đề xuất “hình phạt thuế” với người độc thân. Ý kiến này nhanh chóng nhận sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng. Nhiều thành viên trong các cơ quan công quyền lập tức bác bỏ vì cho rằng không thực tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, việc "nên hay không nên áp dụng thuế với người độc thân" lại trở thành chủ đề chính của các cuộc thảo luận, đặc biệt là các cộng đồng trực tuyến.
Nhóm ủng hộ áp dụng thuế độc thân nêu ra hai lập luận. Thứ nhất, họ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia và cộng đồng, bởi Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (0,78) vào năm 2022 trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển - với số ca sinh cần thiết để giữ ổn định dân số - thường nằm ở mức 2,1.
"Sự sụt giảm này là điều đáng lo ngại. Nhiều người lo ngại tương lai của quốc gia đang gặp rủi ro nên dù phải áp dụng các biện pháp trừng phạt thì "thuế cho người độc thân" cũng nên được ban hành khẩn cấp", nhóm ủng hộ nêu.
Lý do thứ hai bắt nguồn từ nỗi lo người độc thân trở thành gánh nặng lúc về già. Theo đó, những người độc thân sẽ phụ thuộc vào con cái của người khác khi họ già đi. Sự mất cân bằng trong hỗ trợ xã hội được cho là không công bằng đối với người có con.
Vào tháng 5 vừa qua, một cuộc khảo khát với hơn 4.000 người trong độ tuổi từ 20 - 50 thông qua nền tảng của công ty SM C&C, đã đề cập đến các chủ đề về tình trạng độc thân, đánh thuế người chưa kết hôn và tỷ lệ sinh con thấp.
Theo đó, 21% ủng hộ nên áp “thuế độc thân” hoặc “thuế không sinh con”; 16% trong độ tuổi 30 (nhóm có thể trở thành đối tượng phải đóng thuế nếu áp dụng) tỏ ra không chắc chắn và 26% người ở độ tuổi 50 tán thành cao nhất.
Ông Noh Jeong Tae, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết số người tán thành nhiều vượt mong đợi. Tuy nhiên, dư luận đang tập trung giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp hơn là thuế cho người độc thân.
Phần lớn các chuyên gia khác đều khẳng định, tỷ lệ sinh thấp không thể giải quyết bằng một loại thuế duy nhất. Song nhóm ủng hộ lại coi đây là “phương tiện công bằng” hơn hình phạt. Có đến 33% người ủng hộ cho rằng, việc người độc thân hoặc không sinh con nên chịu gánh nặng trước, bởi họ sẽ nhận được sự giúp đỡ của chính phủ khi về già.
"Tuy nhiên, nhận thức người già nên nhận hỗ trợ bởi con cái thay vì chính phủ hay hệ thống xã hội là cách tiếp cận thái quá", ông Noh nói.
Ông Noh cho biết thêm, trên thực tế, chính kiểu chủ nghĩa gia đình đang là một trong những lý do ngăn cản hôn nhân và sinh con ở Hàn Quốc. Thêm vào đó, khó khăn về kinh tế, bao gồm vấn đề nhà ở, tình trạng mất việc làm, gánh nặng chăm sóc con cái, chi phí giáo dục cao ngất ngưỡng… mà nhiều cặp vợ chồng đang phải đối mặt.
Cuộc khảo sát gần đây của Shinhan Life Insurances với 700 người độc thân và các cặp vợ chồng không có con của Hàn Quốc ở độ tuổi từ 25 - 39 cho thấy, hơn 34% không có kế hoạch sinh con trong tương lai.
Cụ thể hơn, có 26% phụ nữ nghĩ đến việc không nuôi con bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào và 26% khác có biết họ đang nghĩ đến việc có một cuộc hôn nhân không có con. Trong khi đó, gần 14% nam giới không muốn có con, hơn 6% nói chỉ muốn sống với vợ.
Để giảm bớt những khó khăn về nhân khẩu học, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến khích sinh con như tăng trợ cấp hàng tháng cho các cặp vợ chồng có con nhỏ dưới 1 tuổi từ 300.000 Won (khoảng 5,4 triệu đồng) lên 700.000 Won (gần 13 triệu đồng) trong năm nay và 1 triệu Won (khoảng 18 triệu đồng) vào năm 2024. Ngoài ra, nhiều đề xuất về việc tăng lương, tăng giờ nghỉ làm để chăm sóc con cũng đang được thảo luận.