Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 8/2, Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng lực lượng hạt nhân của họ sẽ được sử dụng để bảo vệ chủ quyền, an toàn của người dân và ngăn chặn mọi nỗ lực xâm phạm từ các thế lực thù địch.
Theo tuyên bố đăng trên KCNA, "vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không phải là công cụ quảng bá để được bất kỳ ai công nhận, cũng không phải là quân bài mặc cả để đổi lấy tiền".
Triều Tiên nhấn mạnh kho vũ khí hạt nhân của nước này sẽ được sử dụng trong chiến đấu nhằm loại bỏ nhanh chóng bất kỳ mối đe dọa nào đối với hòa bình khu vực.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh NATO và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, Triều Tiên chỉ trích những phát biểu này là "lố bịch", khẳng định rằng Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Tháng 10/2023, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng từng nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ thực hiện các bước cần thiết để trở thành một cường quốc quân sự hạt nhân.
Trong chuyến thăm một cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân hôm 29/1 năm nay, ông Kim tiếp tục khẳng định rằng tình hình an ninh toàn cầu đang trở nên bất ổn, buộc Triều Tiên phải đẩy mạnh năng lực hạt nhân của mình.

Dù không công bố con số chính thức, các chuyên gia quốc tế ước tính rằng Triều Tiên có thể đang sở hữu từ 70 đến 90 đầu đạn hạt nhân, với khả năng tăng lên 166 vào năm 2030.
Một báo cáo của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ vào tháng 7/2024 cho biết Triều Tiên có đủ vật liệu phân hạch để chế tạo hàng chục vũ khí hạt nhân. Nước này cũng đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, khẳng định tiến bộ của mình trong lĩnh vực này.
Tướng Mark Milley, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, từng nhận định rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên "đủ sức gây ra mối đe dọa thực sự" đối với lục địa Mỹ cũng như các đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước lập trường cứng rắn của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng vào ngày 7/2, trong đó hai lãnh đạo cam kết đảm bảo Triều Tiên phải chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "một tài sản rất lớn" và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Bình Nhưỡng nhằm đảm bảo ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng chính quyền của ông sẽ theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đi ngược lại với những dự đoán trước đó rằng Washington có thể chỉ tìm cách hạn chế số lượng vũ khí của Bình Nhưỡng thay vì yêu cầu từ bỏ hoàn toàn.
Trong khi đó, tuyên bố mới nhất từ Triều Tiên cho thấy nước này không có ý định quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Bình Nhưỡng tiếp tục khẳng định rằng họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xem đây là biện pháp đảm bảo an ninh trước áp lực từ các nước phương Tây.