Tiêu điểm: Nhân Humanity

Triều Tiên sẽ coi Hàn Quốc là ‘kẻ thù số một’

VOH - Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định việc thống nhất với Hàn Quốc không còn khả thi, kêu gọi sửa Hiến pháp xem Hàn Quốc là quốc gia độc lập và là "kẻ thù số một" của Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đưa tin, lãnh đạo nước này là ông Kim Jong-un ngày 15/1 đã kêu gọi Quốc hội Triều Tiên sửa Hiến pháp để xem Hàn Quốc như một quốc gia riêng biệt có lãnh thổ tách biệt, đồng thời kêu gọi Quốc hội coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch số một không thể thay đổi”.

"Chúng ta không muốn chiến tranh nhưng cũng không tránh né điều đó", KCNA dẫn lời ông Kim nói. 

Đây là kết luận cuối cùng của nhà lãnh đạo hàng đầu Triều Tiên, rằng việc thống nhất với Hàn Quốc là điều không còn khả thi. Ông đồng thời cáo buộc Hàn Quốc đang tìm cách làm sụp đổ chế độ ở Triều Tiên.

Theo KCNA, 3 tổ chức liên quan đến thống nhất và hoạt động du lịch liên Triều của phía Triều Tiên dự kiến sẽ đóng cửa.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây leo thang sau một loạt vụ thử tên lửa và các cuộc tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ.

Triều Tiên sẽ coi Hàn Quốc là ‘kẻ thù số một’
Ông Kim Jong-un phát biểu trước Quốc hội Triều Tiên, ngày 15/1/12024 - Ảnh: KCNA

Trong một báo cáo của dự án 38 North có trụ sở tại Mỹ vào tuần trước, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Carlin và nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker nhận định rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nguy hiểm hơn bất kỳ lúc nào kể từ đầu tháng 6/1950.

Cuối năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng không còn hướng tới mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc, trong khi trước đó đây là mục tiêu lâu dài của cả hai miền bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Lim Eul-chul chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Đại học Kyungnam của Hàn Quốc nhận định, những phần quan trọng trong bài phát biểu trước Quốc hội của ông Kim là đưa ra các kế hoạch nhằm cải thiện cuộc sống người dân và những điều mà ông Kim nói về Hàn Quốc và Mỹ nhằm giúp duy trì sự đoàn kết nội bộ và đạt được các mục tiêu kinh tế và quân sự, trong bối cảnh Mỹ đang bị "phân tâm" bởi các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới như chiến sự ở Gaza và chống lực lượng Houthi ở Yemen. 

Mặt khác, giáo sư Won Gon Park của Đại học Nữ Ewha ở Seoul cho rằng ông Kim dường như cảm thấy bị "đe dọa" bởi việc Mỹ và Hàn Quốc tăng cường răn đe hạt nhân, việc Mỹ triển khai các khí tài quân sự chiến lược đến Bán đảo Triều Tiên và cả các nỗ lực quân sự ba bên với đồng minh Nhật Bản.

Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật vì cuộc xung đột giữa hai miền kết thúc năm 1953 chỉ kết thúc với hiệp định ngừng bắn mà không phải thỏa thuận hòa bình.

Bình luận