Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Johannesburg, Nam Phi, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực có lợi cho hòa bình ở Ukraine, bao gồm cả những đồng thuận gần đây giữa Mỹ và Nga.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.
Mới chỉ một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump thay đổi chính sách của Mỹ về chiến sự Ukraine, nối lại quan hệ với Moscow qua một cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin và cuộc hội đàm cấp cao Nga - Mỹ tại Saudi Arabia.
Cuộc thảo luận này chủ yếu tập trung vào các phương án chấm dứt chiến sự, nhưng không có sự tham gia của đại diện Ukraine. Động thái này phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm của Mỹ đối với Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Trung Quốc không lặp lại quan điểm của ông tại Hội nghị An ninh Munich hồi tuần trước, khi ông cho rằng tất cả các bên liên quan trong xung đột Nga - Ukraine nên có ghế tại bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Thay vào đó, các quan chức Trung Quốc thông qua các kênh trung gian để đề xuất một cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Mỹ nhằm giải quyết vấn đề Ukraine.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn bảo đảm được vai trò trong bất kỳ thỏa thuận nào mà ông Trump đang cố gắng đạt được với Nga.
Chuyên gia Trung Quốc Ruby Osman tại Viện Tony Blair nhận định rằng mặc dù ông Trump đã trực tiếp đối thoại với ông Putin, nhưng Trung Quốc có thể điều chỉnh chiến lược của mình để tập trung vào vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết và gìn giữ hòa bình ở châu Âu, từ đó mang lại lợi ích lớn hơn cho Bắc Kinh trong cấu trúc an ninh khu vực.
Nhà Trắng từ chối xác nhận liệu họ có nhận được đề nghị từ Trung Quốc hay không, một quan chức Nhà Trắng cho biết rằng điều này "không khả thi".
Mặc dù vậy, phương Tây đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sử dụng mối quan hệ gần gũi với Nga để thúc đẩy quá trình chấm dứt cuộc chiến. Trung Quốc cho rằng mình không phải là bên tham gia vào cuộc khủng hoảng, mà chỉ thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình theo điều kiện riêng của nước này.