Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ im lặng khi lãnh tụ tối cao Hezbollah bị Israel tiêu diệt?

VOH - Từ khi cuộc xung đột ở Trung Đông bắt đầu ngày 7/10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là bên chỉ trích Israel mạnh mẽ bậc nhất. Tuy nhiên khi thủ lĩnh Hezbollah bị Israel ám sát, Ankara phần lớn im lặng.

Theo giới phân tích, phản ứng thận trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, khác xa những động thái trước đây, có thể nói lên bất đồng giữa nước này với nhóm vũ trang Li-băng, do Hezbollah đưa quân vào ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria.

c_Nasrallah
Lãnh tụ Nasrallah của Hezbollah vừa bị Israel thủ tiêu - Ảnh: Arab News

Cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng với nhiều lãnh đạo Ả Rập đưa ra tuyên bố chỉ trích Israel leo thang chiến tranh tại Li-băng. Ông nói trên X: “Li-băng và người dân nước này là mục tiêu mới nhất của chính sách diệt chủng, chiếm đóng và xâm lược do Israel thực hiện từ ngày 7/10.”

Trước đó phát biểu với các phóng viên vào ngày 28/9, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan không lên án vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah, cũng chỉ nói chung chung: “Vụ tấn công nhắm vào trung tâm trục kháng chiến do Iran lãnh đạo. Khoảng trống ông ấy để lại rất lớn, khó lấp đầy. Đây là mất mát với cả Hezbollah lẫn Iran.”

Ông Fidan tiết lộ bản thân đã gặp lãnh tụ Nasrallah ở Beirut trong 1 hoàn cảnh khó khăn, su vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023.

Nhiều thập kỷ qua, Iran được cho đã dựa vào Hezbollah cùng một số nhóm ủy nhiệm khác, để hình thành tuyến phòng thủ đầu tiên, cũng như tấn công lợi ích của Mỹ và Israel.

Theo 1 số chuyên gia, sự im lặng của Thổ Nhĩ Kỳ về vụ ám sát ông Nasrallah là dễ hiểu.

Theo Middle Easy Eye, im lặng cũng là cách thể hiện quan điểm và truyền đi thông điệp. Một gửi đến Iran, 1 gửi đến Israel.

Ông Omer Ozkizilcik - chuyên gia phân tích ở Atlantic Council cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại kế hoạch của Israel ở Li-băng, nhất là tình hình nhân đạo, nhưng họ cũng không muốn thể hiện sự ủng hộ với Iran và các lực lượng ủy nhiệm. Ông Nasrallah gửi quân đến Syria hỗ trợ Tổng thống Al-Assad. Cuộc nội chiến ở Syria đã đẩy hàng triệu người tị nạn chạy tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đảng AK cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã ủng hộ nhiệt thành cho phong trào đối lập Syria muốn lật đổ Tổng thống Al-Assad, từ khi nội chiến bùng phát năm 2011.

Nhiều thành phần đối lập Syria vẫn có cơ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhóm này cùng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng ở miền Bắc Syria, thường xuyên giao chiến với các nhóm ủng hộ Tổng thống Assad.

Tháng 2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả 1 cuộc tấn công của Nga và Syria tại Idlib, khi phát động chiến dịch “Lá chắn mùa xuân”. Cùng tháng đó, 1 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm 9 thành viên Hezbollah thiệt mạng cùng 30 người bị thương.

Bình luận