Chờ...

WHO kêu gọi các nước dự trữ thuốc điều trị phơi nhiễm phóng xạ

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cập nhật danh sách các loại dược phẩm được khuyến nghị sử dụng để điều trị phơi nhiễm phóng xạ và hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp.

Tiến sĩ Maria Neira, quyền trợ lý Tổng Giám đốc của WHO kêu gọi, các quốc gia cần phải sẵn sàng nguồn cung cấp các loại thuốc cứu sinh giúp giảm thiểu rủi ro và điều trị chấn thương do phóng xạ.

“Trong trường hợp khẩn cấp, con người có thể bị nhiễm phóng xạ ở liều lượng từ không đáng kể đến nguy hiểm tính mạng. Các chính phủ cần nhanh chóng cung cấp các phương pháp điều trị cho những người có nhu cầu”, bà Neira lưu ý.

WHO kêu gọi các nước dự trữ thuốc điều trị phơi nhiễm phóng xạ 1
Ảnh minh họa: Sputnik

Theo WHO, nhiều quốc gia thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho các trường hợp khẩn cấp.

Trong số các kịch bản tiềm tàng, những trường hợp hạt nhân khẩn cấp có thể là tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân, cơ sở y tế hoặc nghiên cứu, sự cố trong quá trình vận chuyển các vật liệu phóng xạ, hoặc vật liệu đó bị sử dụng với mục đích xấu.

Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986, khi lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina(Liên Xô) bị nổ. Đây được coi là thảm họa trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân, phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.

Khoảng 190 tấn chất phóng xạ đã bay vào khí quyển; đám mây bụi phóng xạ lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người; khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống lãnh thổ Belarus.

Theo thống kê chính thức, ngay sau vụ tai nạn, 31 người chết, 600 nghìn người xử lý hậu quả của vụ nổ Chernobyl đã nhận được liều phóng xạ cao; tổng thể, khoảng 8.4 triệu người Nga, Belarus và Ukraine đã được ghi nhận phơi nhiễm phóng xạ. Theo ước tính gần đúng nhất (kể từ khi Liên Xô sụp đổ), khoảng 30 nghìn người đã chết vì hậu quả của thảm họa Chernobyl, và hơn 70 nghìn người bị tàn tật. Một tác động kinh tế đáng kể vào thời điểm đó là loại bỏ 784.320 ha đất nông nghiệp và 694.200 ha từ rừng sản xuất.