Tiêu điểm: Nhân Humanity

WHO xác nhận ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 ở người tại Ấn Độ

VOH - Ngày 11/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, một trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người do virus H9N2 gây ra đã được phát hiện ở một trẻ 4 tuổi ở bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ.

WHO cho biết, bệnh nhân được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt nhi khoa (ICU) của một bệnh viện địa phương do các vấn đề hô hấp nghiêm trọng dai dẳng, sốt cao và đau bụng vào tháng 2/2024. Bé được xuất viện vào tháng 5 sau ba tháng điều trị.

cum-gia-cam-120624
Các ống nghiệm có nhãn "Cúm gia cầm" - Ảnh: Reuters

WHO cho biết, bệnh nhân đã tiếp xúc với gia cầm tại nhà và ở khu vực xung quanh. Người thân trong gia đình và người tiếp xúc gần với em bé trên không có triệu chứng bệnh hô hấp.

WHO cho biết thêm, thông tin về tình trạng tiêm chủng và chi tiết về điều trị bằng thuốc kháng virus không có sẵn tại thời điểm báo cáo.

Cơ quan này thông tin, đây là ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 thứ hai ở người tại Ấn Độ, kể từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2019.

Virus cúm gia cầm H9N2 thường có xu hướng gây bệnh nhẹ. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết, các ca bệnh lẻ tẻ ở người có thể xảy ra vì virus này là một trong những loại virus cúm gia cầm phổ biến nhất lưu hành ở gia cầm ở các khu vực khác nhau.

Trước đó vào tháng 4/2024, TPHCM cũng ghi nhận trường hợp mắc cúm H9N2 đầu tiên tại Việt Nam. 

Bệnh nhân nam (37 tuổi, trú tại tỉnh Tiền Giang), được chuyển lên TPHCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan do rượu, theo dõi nhiễm trùng huyết.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A. 

Ngày 1/4/2024, xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện có kết quả là bộ gene của virus cúm A (H9N2).

​Cúm A (H9N2) lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Từ sau khi ca H9N2 trên người đầu tiên được báo cáo vào cuối thập niên 1990, đến nay vẫn phát hiện virus rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác và vẫn cần được quan tâm giám sát, dự phòng.

Bình luận