Các nhà khoa học cũng đã một lần nữa kêu gọi các nhà hoạch định chính sách sớm có biện pháp ngăn chặn sự nóng lên trên toàn cầu.
Trận lũ lụt tồi tệ nhất ở vùng trung tâm châu Âu trong ít nhất hai thập kỷ qua đã cướp đi sinh mạng của 24 người và hàng loạt nhà cửa, cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống bị tàn phá ngập sâu trong nước lũ và bùn đất.
Theo thống kê ban đầu, giới chức những nơi bị ảnh hưởng của lũ lụt ước tính số tiền cần thiết chi cho công tác sửa chữa và khắc phục hậu quả mưa lũ lên đến hàng tỷ USD.
Báo cáo mới nhất công bố ngày 25/9 của World Weather Attribution – nhóm các nhà khoa học quốc tế chuyên nghiên cứu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự hình thành các hiện tượng thời tiết cực đoan – cho thấy lượng mưa tầm tã kéo dài suốt 4 ngày do bão Boris là đợt mưa lũ lớn nhất từng được ghi nhận ở Trung Âu.
Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra những trận mưa lớn và mức độ nghiêm trọng tăng hơn 7%.
Bà Joyce Kimutai, nhà nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc trường Imperial College London (Anh) và là đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh: "Một lần nữa, những trận lũ này làm nổi bật hậu quả tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cho đến khi dầu mỏ, khí đốt và than đá được thay thế bằng năng lượng tái tạo, những cơn bão như Boris dự báo sẽ gây ra lượng mưa lớn hơn, dẫn đến lũ lụt có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế.”
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù các yếu tố thời tiết gây ra cơn bão là bất thường - bao gồm không khí lạnh từ dãy núi Alps và không khí ấm từ Địa Trung Hải và Biển Đen, nhưng biến đổi khí hậu đã làm cho những cơn bão này trở nên dữ dội hơn và có khả năng xảy ra thường xuyên hơn.
Theo dự báo, với nhiệt độ tăng thêm 1,3 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, một cơn bão tương tự bão Boris có thể xảy ra trung bình khoảng 100 - 300 năm/lần. Tuy nhiên, nếu mức tăng là 2 độ C thì có thể dẫn đến lượng mưa sẽ tăng ít nhất 5% và tần suất xảy ra cao hơn khoảng 50% so với hiện tại, dự kiến sẽ xảy ra vào những năm 2050.