Tiêu điểm: Nhân Humanity

SEA Games 31: Hủy 2 nội dung điền kinh

(VOH) - Mới đây, BTC SEA Games 31 thông báo 2 nội dung điền kinh gồm đẩy tạ nữ và ném búa nam sẽ bị hủy; Campuchia sang Việt Nam tham dự SEA Games 31 bằng chuyên cơ.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh

Mới đây, BTC SEA Games 31 bất ngờ thông báo sẽ hủy bỏ 2 nội dung trong môn điền kinh. Cụ thể, nội dung bị hủy đó là đẩy tạ nữ và ném búa nam.

Theo đó, ở nội dung đẩy tạ nữ, chỉ có Indonesia và Thái Lan đăng kí thi đấu còn nội dung ném búa nam cũng chỉ có đoàn Thái Lan Malaysia tham gia. Chiếu theo quy định của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, do 2 nội dung trên không đủ số đội tối thiểu là 3 quốc gia tham gia đăng kí nên sẽ bị hủy bỏ.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh - VĐV Campuchia sang Việt Nam bằng chuyên cơ
SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh.

Với việc nội dung bóng ném bãi biển nữ cũng bị hủy bỏ trước đó cũng vì lý do tương tự, số nội dung thi đấu tại SEA Games 31 sẽ giảm xuống còn 523 thay vì 526 như ban đầu.

Tại SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam dự với 1.341 thành viên, gồm: 951 VĐV (532 nữ, 419 nam); 250 HLV; 30 chuyên gia. Điền kinh là đội tuyển có số lượng đông nhất với 65 VĐV, thi đấu 40/45 nội dung, đặt mục tiêu giành 16 - 17 huy chương vàng SEA Games 31.

Quách Thị Lan thắp đuốc tại Lễ khai mạc SEA Games 31

Mới đây, ban tổ chức SEA Games 31 đã chốt danh sách về lực lượng các thành viên tham gia rước cờ, rước đuốc trong lễ khai mạc SEA Games 31. Theo đó có một số thay đổi so với dự kiến ban đầu.

Theo như kế hoạch ban đầu, tại Lễ khai mạc SEA Games 31, nhiệm vụ châm đuốc đài lửa được trao cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, tuy nhiên ở SEA Games năm nay anh đã chuyển sang làm công tác huấn luyện. Dự kiến, Hoàng Xuân Vinh chỉ tham gia phần rước đuốc và sẽ trao lại ngọn đuốc cho Quách Thị Lan trước khi cô châm đuốc lên đài lửa. Đây được coi như lời gửi gắm của thế hệ đi trước với thế hệ đàn em đi sau, hãy thi đấu thật tốt, giành vinh quang cho Tổ quốc tại SEA Games 31.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh - VĐV Campuchia sang Việt Nam bằng chuyên cơ
Vận động viên điền kinh Quách Thị Lan là người châm đuốc đài lửa SEA Games 31.

Ngoài Quách Thị Lan và Hoàng Xuân Vinh, nhóm rước đuốc còn có cựu võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân, cựu lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn, cựu VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn , Nguyễn Thị Tĩnh (điền kinh), Nguyễn Thúy Hiền (wushu), Lê Bích Phương (karatedo) và Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội).

Cũng theo kế hoạch, kình ngư xuất sắc của bơi lội Việt Nam - Nguyễn Huy Hoàng sẽ tiếp tục là VĐV tuyên thệ tại lễ khai mạc SEA Games 31 vào đêm 12/5 tại sân Mỹ Đình. Trước đó, anh cũng từng đại diện các VĐV đọc lời hứa tại lễ xuất quân của đoàn Việt Nam dự SEA Games 31 cách đây ít ngày. Thay mặt cho đội ngũ trọng tài làm nhiệm vụ tại đại hội, trọng tài Nguyễn Thị Ngọc Hoa (bóng chuyền) đọc tuyên thệ. VĐV cầm cờ cho đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc là kiếm thủ Vũ Thành An.

Nhóm 6 VĐV rước cờ SEA Games gồm: Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Dương Thúy Vi (wushu), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (vật), Nguyễn Văn Trí (pencak silat), Trần Nhật Hoàng (điền kinh).

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra từ 19h00 đến 22h00 ngày 12/5 trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình. Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á bắt đầu từ ngày 12/5 đến 23/5 với sự tham dự của khoảng 10.000 VĐV, HLV, quan chức, trọng tài đến từ 11 đoàn thể thao khu vực.

Kình ngư Việt kiều về nước dự SEA Games 31

VĐV bơi lội Lê Nguyễn Paul thông báo đã về đến Việt Nam sau hành trình tập huấn tại Mỹ. Lê Nguyễn Paul có mặt ở Hà Nội để hội quân cùng đội tuyển bơi Việt Nam tham dự SEA Games 31. Đi cùng với anh là HLV Josie Pearson.

Trước đó, Lê Nguyễn Paul đã tham dự giải bơi lội VĐQG bể 25m 2022. Kình ngư Việt kiều giành 10 HCV cho đoàn An Giang và phá 5 kỷ lục quốc gia. Đây là thành tích được dự đoán trước vì các kình ngư khác trong đội tuyển không tham dự vì đi tập huấn. Dẫu vậy, đây cũng là một giải đấu khởi động rất tốt cho SEA Games 31.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh - VĐV Campuchia sang Việt Nam bằng chuyên cơ
VĐV bơi lội Lê Nguyễn Paul thông báo đã có mặt ở Hà Nội để chuẩn bị tham dự SEA Games 31.

Lê Nguyễn Paul sinh năm 1992 tại Mỹ trong gia đình có bố mẹ đều là người Việt. Anh bắt đầu làm quen với bơi lội từ năm 8 tuổi và chính thức thi đấu chuyên nghiệp khi theo học tại Đại học Missouri.

Năm 2014, Lê Nguyễn Paul gặp gỡ Nguyễn Thị Ánh Viên vào thời điểm "tiểu tiên cá" đang tập huấn dài ngày tại Mỹ. Sau quá trình cùng tập luyện và thi đấu, Lê Nguyễn Paul đã trực tiếp đến gặp HLV Đặng Anh Tuấn để đạt nguyện vọng khóa áo đội tuyển bơi Việt Nam. Anh hoàn tất thủ tục nhập tịch vào năm 2015 và chọn thi đấu cho An Giang, quê hương của mẹ.

Ở SEA Games năm 2017 và 2019, Lê Nguyễn Paul giành một huy chương bạc và 5 huy chương đồng cho bơi lội Việt Nam. Kình ngư sinh năm 1992 cũng là một trong những niềm hi vọng giành huy chương ở kỳ Đại hội diễn ra trên sân nhà Việt Nam.

Thiếu sao nhưng điền kinh Philippines vẫn đặt mục tiêu 8-11 HCV

Điền kinh Philippines thiếu vắng “nữ hoàng” nước rút Kristina Knott, đương kim vô địch 200m nữ SEA Games. Ngoài Kristina Knott vắng mặt SEA Games 31, điền kinh Philippines còn không có sự phục vụ của anh em nhà Guermali gồm Yacine và Said. Yacines thì bận thi học kỳ không thể xin dời lịch thi, còn Said thì chấn thương.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh - VĐV Campuchia sang Việt Nam bằng chuyên cơ
VĐV nhảy sào nam EJ Obuena của Philippines, niềm hy vọng vàng và là người cầm cờ của đoàn Philippines.

Tuy vắng những trụ cột ở nhóm chạy, nhưng điền kinh Philippnes còn có VĐV nhảy sào nam EJ Obuena (người cầm cờ đoàn Philippines ở lễ khai mạc), VĐV nước rút và 110m rào Eric Cray, VĐV Marathon Christine Hallasgo, VĐV nhảy sào nữ Nathalie Uy, VĐV ném tạ William Morrison, VĐV ba môn phối hợp Dequinan...

Điền kinh Philippines mạnh đều ở nhóm chạy, chém, nhảy và cả các nội dung phối hợp, việt dã... nên họ nêu mục tiêu 8 đến 11 HCV.

Môn lặn dự kiến mang về cho Việt Nam số lượng huy chương áp đảo

Lặn là bộ môn có tốc độ nhanh nhất ở các môn thể thao dưới nước. Lần đầu xuất hiện tại Đại hội thể thao Đông Nam Á ở kỳ SEA Games lần thứ 22 vào năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, các kình ngư nước chủ nhà đã xuất sắc giành đến 13 HCV trong tổng số 16 bộ huy chương.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh - VĐV Campuchia sang Việt Nam bằng chuyên cơ
Ở nội dung lặn vòi hơi chân vịt, các kình ngư phải mang chân vịt lớn khá nặng.

Ở SEA Games 31, bộ môn lặn tranh chấp 13 bộ huy chương. Chỉ tiêu của đội tuyển lặn Việt Nam là giành từ 6-8 HCV. Đây là con số khá khiêm tốn nhưng được cho rằng phù hợp với thời điểm hiện tại khi ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan và Philippines, Indonesia đang nổi lên với nhiều VĐV tài năng, có chỉ số ngang ngửa với các tuyển thủ hàng đầu Việt Nam ở một số nội dung thi đấu.

Hướng tới đại hội thể thao Đông Nam Á 2022 trên sân nhà, đội tuyển lặn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên do dịch Covid 19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 nên kế hoạch của đội tuyển lặn cũng bị ảnh hưởng.

Theo kế hoạch, đội tuyển lặn Việt Nam tập luyện ở Mỹ Đình kể từ đầu tháng 5 cho đến lúc thi đấu SEA Games 31.

Campuchia làm điều 'chưa từng thấy' ở SEA Games 31

Tờ Khmer Times cho biết, Thủ tướng Samdech Hun Sen đã yêu cầu Ủy ban Olympic Campuchia (NOCC) lên kế hoạch đưa đoàn thể thao Campuchia sang Việt Nam dự SEA Games 31 bằng cách thuê máy bay riêng.

Đây là lần đầu tiên, Campuchia cử vận động viên ra nước ngoài thi đấu theo cách thức như vậy. Trước đây, các vận động viên vẫn đi chung chuyến bay với hành khách thông thường khác.

SEA Games 31 hủy 2 nội dung điền kinh - VĐV Campuchia sang Việt Nam bằng chuyên cơ
Campuchia sang Việt Nam tham dự SEA Games 31 bằng chuyên cơ.

Các đội tuyển Campuchia sẽ sang Việt Nam theo lịch trình khác nhau, trong đó bóng đá sang sớm nhất vào ngày 4/5. Đội bóng rổ khởi hành lần lượt vào các ngày 11/5 và 14/5.

Tại SEA Games 31, Campuchia tham dự với tổng cộng 560 thành viên, trong đó có 363 VĐV và HLV, 93 trợ lý HLV, 19 trọng tài, 22 trưởng đoàn các môn và 21 bác sĩ. Các VĐV sẽ tranh tài ở 32 môn trong tổng số 40 môn ở SEA Games 31.

Bình luận