Theo các chuyên gia, bên cạnh những nguyên nhân “tức thời” như kể trên, thì không thể không nói đến nguyên nhân sâu xa là do mô hình tăng trưởng của nước ta dựa trên mở rộng đầu tư, nhưng hiệu quả đầu tư ngày càng thấp, thể hiện qua hệ số ICOR của ta cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Mở rộng đầu tư khiến tiền bơm vào lưu thông nhiều, nhưng hiệu quả đầu tư thấp khiến tạo ra ít hàng hóa, tiền nhiều hơn hàng gây lạm phát. TS.Lê Đăng Doanh phân tích:
Những bất cập của năm 2011 thật ra còn là hệ quả của sự phát triển kinh tế theo một mô hình bất hợp lý đã kéo dài. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất ổn định các cân đối vĩ mô và đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian vừa qua. Những yếu kém trong nội tại nền kinh tế đó là: cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư bất hợp lý và kém hiệu quả kéo dài, tích tụ trong nhiều thời kỳ, chưa được đổi mới. Nền kinh tế phát triển theo chiều rộng và dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư; công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Cơ cấu nền kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chậm được chuyển đổi; sản xuất trong nước chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng gia công kéo dài quá lâu, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu dựa vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài...Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích thêm một số tác động khiến lạm phát tăng trong năm Tân Mão vừa qua:
Kết thúc năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,12% so với tháng 12 năm trước, về cơ bản đạt mục tiêu. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm được giữ ở mức thấp cũng chứng tỏ các biện pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Có được kết quả này cũng là do Chính phủ đã kiên định, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 11.
Lạm phát tăng 10% trong bất cứ trường hợp nào đều là một mức cao. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Nhưng 10% dường như cũng đã là một mức khá quen thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, và người dân và doanh nghiệp đã hình thành một thói quen ứng phó với biến động giá cả và bất ổn của nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, lạm phát ở mức khá cao, nhưng đừng vì thế mà hoảng sợ. Bởi vì, chống lạm phát là một câu chuyện trường kỳ. Điều quan trọng là chúng ta nhận thức và dám đối mặt để xử lý nó. Bài học chống lạm phát năm Tân Mão chúng ta đã nhận diện được.Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong năm mới Nhâm Thìn này.
Dự báo năm mới, tình hình kinh tế tình vĩ mô vẫn còn rất nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là khá lớn. Vì vậy, để đạt mục tiêu lạm phát dưới 10% theo chỉ tiêu kế hoạch 2012 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần kiên trì tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết 11, đồng thời thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Góp ý cho giải pháp kiềm chế lạm phát, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng :
Hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới, vấn đề nợ công… sẽ còn tiếp tục tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh chung như vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc kiên định thực hiện NQ 11, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững; đảm bảo tính bền vững của nợ công, tránh nợ xấu; tính ổn định của tiền đồng... Việc tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô; cân bằng các cán cân kinh tế… mà còn tạo cơ hội cho đầu tư, tăng trưởng và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, về sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Hy vọng với quyết tâm, nỗ lực và những kinh nghiệm có được trong kiểm soát lạm phát năm Tân Mão 2011, Chính phủ sẽ hoàn thành được mục tiêu kiềm chế lạm phát năm mới Nhâm Thìn 2012 theo chỉ tiêu phấn đấu sẽ đưa lạm phát xuống còn 1 con số mà Chính Phủ đã đặt ra.