Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 13/8/2021, lúc 13h30, kỳ hạn tháng 11/2021, tăng nhẹ 1,6 JPY, tương đương 0,74% xuống mức 219,1 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ 60 CNY, tương đương 0,41%, lên mức 14.755 CNY/tấn.
Giá cao su Nhật Bản đóng cửa ổn định do những lo ngại về nguồn cung bởi dịch bệnh COVID-19 tại các nước sản xuất ở Đông Nam Á được bù với những lo sợ về nhu cầu chậm lại tại Trung Quốc.
Giá cao su tăng gần đây bởi nguồn cung khan hiếm do hạn chế từ đại dịch tại Đông Nam Á và hy vọng nhu cầu phục hồi mạnh tại Mỹ và Châu Âu nơi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Nhưng lo lắng về sự phục hồi tại Trung Quốc đang chậm lại đã hạn chế đà tăng giá.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc giảm trong tháng 7, giảm tháng thứ 3 liên tiếp, bị thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt tại một số khu vực, sự bùng phát Covid-19 tại một số nơi và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, đồng JPY suy yếu cũng hỗ trợ cho giá cao su. Đại dịch COVID-19 bùng phát ở khu vực Đông Nam Á đang ảnh hưởng tới ngành sản xuất cao su.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm cao su Malaysia (MRPMA), đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lĩnh vực cao su và gây ra "một cú sốc lớn và tức thì" chưa từng có kể từ tháng 3/2020.
COVID-19 gây ra sự sụt giảm sản lượng hàng năm đối với các sản phẩm cao su, bao gồm phụ tùng ô tô, săm lốp và các sản phẩm liên quan đến lốp xe. Ảnh hưởng thậm chí có thể còn tăng gấp đôi nếu quá trình khôi phục sản xuất bị trì hoãn thêm nữa.
Lợi nhuận doanh nghiệp cao su tăng mạnh theo giá bán
Trong mùa báo cáo tài chính bán niên 2021, ngành cao su là một trong những điểm sáng. Với 101 công ty con, 16 công ty liên kết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đạt kết quả kinh doanh vượt bậc trong ngành.
Doanh thu thuần bán niên hơn 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 77% và 182% so với cùng kỳ. Tuy trong quý II, doanh nghiệp đầu ngành này giảm lợi nhuận nhưng mức giảm lại đến từ hoạt động tài chính và mảng kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vẫn tăng mạnh, đạt gần 4.500 tỷ đồng, thoát khỏi khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Các công ty con tiêu biểu trong VRG cũng đạt kết quả kinh doanh tốt. 6 tháng đầu năm, Cao su Tân Biên (RTB) có hơn 375 tỷ đồng doanh thu và hơn 120 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 167% và 284% so với cùng kỳ. Cao su Bà Rịa (BRR) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 3 con số với 35 tỷ đồng, tăng 170%. Nếu chỉ xét riêng lĩnh vực trồng và chế biến mủ cao su, Cao su Phước Hòa (PHR) vẫn tăng trưởng.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, doanh thu bán niên tăng 87% lên hơn 590 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần của công ty đạt gần 52 tỷ đồng, tăng hơn 640%. Cao su Đồng Phú (DPR) kỳ này cũng tăng trưởng 2 con số.
Có quy mô doanh thu và lợi nhuận không chênh lệch quá nhiều, kỳ này Cao su Đắk Lắk (DRG) thoát lỗ. Thay vì ghi nhận lợi nhuận âm gần 30 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã lãi hơn 76 tỷ đồng trong 6 tháng. Cao su Miền Nam (CSM) cũng ghi nhận tăng trưởng trong kết quả kinh doanh. Doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt gần 2.500 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng cao là nguyên nhân giúp các doanh nghiệp cao su lãi đậm kỳ này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt hơn 714.000 tấn. Trị giá xuất khẩu vào khoảng 1,2 tỷ USD, tăng hơn 88% so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt hơn 1.680 USD/tấn, tăng khoảng 27,2% so với mức 1.325 USD/tấn của 6 tháng năm 2020, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam.