Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải pháp xây dựng thương hiệu Việt từ nhiều phía

(VOH) - Khi doanh nghiệp muốn tồn tại và khẳng định mình thì đăng ký thương hiệu phải được thực hiện, do đó, vấn đề sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu hàng hóa đã nhận được sự quan tâm rõ rệt hơn của xã hội, các cơ quan quản lý và bản thân các doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu mạnh để xuất khẩu thủy sản bền vững ra thị trường thế giới Ảnh: Nguyễn Hải/NLĐ

Mạnh dạn thay đổi tư duy

Xây dựng được thương hiệu cho doanh nghiệp, trước tiên, bản thân người lãnh đạo doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi trong tư duy và kiên quyết trong thực hiện, đưa sản phẩm thâm nhập thị trường bằng các hình thức khác nhau như quảng cáo, khuyến mại... Để thâm nhập thị trường đúng hướng, tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, việc nghiên cứu thị trường là vô cùng quan trọng. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lý Trường Chiến, cho biết rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, việc nghiên cứu thị trường là không cần thiết, nhưng nghiên cứu thị trường sẽ giúp kiểm soát được rủi ro rất nhiều trong đầu tư. Khi nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp sẽ hiểu được tâm định tức là định tính – thị trường cần cái gì, định lượng – thị trường cần bao nhiêu, định thời là thị trường cần vào lúc nào và doanh nghiệp sẽ biết được định vị - tức là doanh nghiệp cần làm cái gì, hình ảnh ra sao.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE, phân tích: "Chúng ta phải đảm bảo được suy nghĩ là chúng ta có thực sự muốn xây dựng một thương hiệu mạnh hay không, bỏ đi một số thói quen và chấp nhận cái mới, đó là 2 yếu tố hàng đầu để tiến lên. Sau đó, chúng ta phải xác định tầm nhìn, sắp xếp tổ chức cho thương hiệu và phát triển thương hiệu, sử dụng kinh nghiệm của chúng ta trong quá khứ để xây dựng thương hiệu, phải chấp nhận cạnh tranh, xây dựng sự hài hòa giữa cái mà chúng ta tin tưởng là tốt và cái mà người tiêu dùng tin tưởng là tốt. Thương hiệu cá nhân là cực kỳ quan trọng nhưng để phát triển thương hiệu của mình đi xa hơn nữa thì việc phát triển thương hiệu tập thể cũng rất quan trọng".

Nhà nước tăng cường hỗ trợ

Năm 2003, Thủ Tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng chương trình “Thương hiệu Quốc gia”. Ra đời hơn 10 năm, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu trong doanh nghiệp, qua sự liên kết, gắn bó chặt chẽ các doanh nghiệp cũng tạo nên sức mạnh chung cho thương hiệu Việt. Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Tổng thư ký, Ban thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia, ông Bùi Huy Sơn, cho rằng: "Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và giao cho Cục xúc tiến thương mại thực hiện với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, dịch vụ sản phẩm của mình, đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, và trên cơ sở sự phát triển của các thương hiệu sản phẩm dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, có uy tín trên thị trường quốc tế".

Theo Cục Sở hữu Công nghiệp, số lượng nhãn hiệu hàng hóa mới được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt Nam đã tăng nhiều trong thời gian gần đây, với gần 10.000 nhãn. Tổng số các nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam được bảo hộ trong nước hiện nay khoảng 20.000 trong tổng số gần 100.000 nhãn hiệu (kể cả các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài) đã được bảo hộ. Ngoài ra, để bảo vệ thương hiệu tại các thị trường ngoài nước, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã trực tiếp tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với các cơ quan Sở hữu trí tuệ nước ngoài. "Một trong những vũ khí cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tôi cho rất hiệu quả đó là thương hiệu. Tôi cũng xin khẳng định rằng, tốc độ tạo ra và đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng có tốc độ tăng trung bình 10 – 15%, khoảng 35.000 đơn đăng ký nhãn hiệu trong 1 năm ở Việt Nam. Đây là một thành quả rất lớn, nhưng so với đầu tư và phát triển thương hiệu vẫn chưa đầy đủ và chưa đáp ứng; nhiều lúc chúng ta chỉ biết tạo ra chứ chưa biết nuôi sống nó và phát triển nó một cách thật tốt", Tiến sĩ Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chia sẻ.

Doanh nghiệp xây dựng chiến lược dài hơi

Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình lâu dài và bền bỉ, đòi hỏi phải có một chiến lược cụ thể, hợp lý tùy theo điều kiện và sự sáng tạo của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải có một chiến lược cụ thể, xuất phát từ mục tiêu trước mắt và lâu dài của doanh nghiệp. Vì thế, chiến lược thương hiệu luôn gắn liền với chiến lược sản phẩm, chiến lược đầu tư và các kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. Hội doanh nhân trẻ TPHCM cũng có nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cụ thể là đã đưa việc hỗ trợ doanh nghiệp vào phương hướng hành động của mình. Ông Dương Công Đức, Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, cho hay: "Trong phương hướng hành động của Hội doanh nhân trẻ TPHCM, chúng tôi xác định là phải hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu, luôn luôn nhắc những doanh nghiệp mới, những hội viên mới, những người mới khởi sự doanh nghiệp chú ý việc bảo vệ thương hiệu, xây dựng phát triển thương hiệu này bên cạnh việc xây dựng sản phẩm và công ty. Ngoài ra, trong năm nay, chúng tôi cũng đặt trọng tâm giúp cho doanh nghiệp hội nhập sâu rộng hơn nữa trong thị trường quốc tế".

Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cũng đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đến với thị trường nước ngoài, quảng bá thương hiệu Việt ra thế giới. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp tự phát huy nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng thương hiệu mạnh, bảo vệ chính mình tại thị trường thế giới. Thạc sĩ Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Với chức năng của mình, chúng tôi tổ chức những khóa huấn luyện, đào tạo các kỹ năng trong kinh doanh và kỹ năng tiếp thị, giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với Hội luật sư cùng nghiên cứu việc phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu ở nước ngoài".

Thương hiệu ngày nay không còn đơn thuần là nhãn mác để nhận biết và phân biệt sản phẩm giữa các doanh nghiệp, mà còn là tài sản giá trị, là uy tín và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan để tạo ra và bảo vệ hình ảnh rõ ràng và khác biệt của riêng doanh nghiệp, riêng một quốc gia./.

Bình luận