Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Xem xét tịch thu phương tiện quá tải 20%

(VOH) - Ngày 9/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, sáng 9/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội về Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Giao thông.

Nội dung chất vấn gồm tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT. Trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội về tư tưởng chần chừ của các nhà thầu trong điều kiện vật giá tăng vọt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận trên thực tế có tình trạng này. Bên cạnh một số nhà thầu làm việc có trách nhiệm theo hợp đồng, có một số nhà thầu trông chờ vật giá xuống mới triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với những dự án trọng điểm quốc gia và những dự án đầu tư công hiện nay Bộ đang triển khai, quan điểm của Bộ là rất nghiêm khắc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với ngân sách nhà nước và với địa phương, với dự án trọng điểm.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao Ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu kiểm soát các công trình, nghiệm thu cơ sở để xác định thời điểm thi công, làm cơ sở để thanh quyết toán, có điều chỉnh giá theo theo thời điểm. Các nhà thầu đã ký hợp đồng phải thực hiện nghiêm, có khó khăn thì cần phối hợp giải quyết, không vì lý do vật giá mà chậm triển khai làm ảnh hưởng đến tiến độ. Hiện nay, Bộ đã nghiêm túc chấn chỉnh nhiều dự án trọng điểm quốc gia và thu được kết quả khả quan.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu về tiến độ của các dự án trọng điểm chậm, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát về chất lượng, kiểm tra vấn đề chống lãng phí từ khâu lập chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, đưa ra nhiều phương án để so sánh, để lựa chọn; kiểm tra quá trình thiết kế, giải pháp kỹ thuật của từng cây cầu; xem xét kỹ lưỡng quá trình thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo tiến độ, chất lượng nhưng chi phí rẻ nhất.

Bộ trưởng khẳng định, đây là công tác thường xuyên của bộ và các chủ đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn kiểm tra, thanh tra xem từng giải pháp có hợp lý hay không, có tình trạng thất thoát, lãng phí không để không lãng phí về tiến độ.

Nút giao thông đường vành đai 3: Chưa thi công vì chưa đủ kinh phí

Liên quan đến nút giao thông đường vành đai 3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận Tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quy hoạch vẫn có nút giao thông nhưng hiện nay chúng ta chưa thi công vì chưa đủ kinh phí. Do đó chưa triển khai hết nút giao thông trên tuyến đường này, khi nào cân đối đủ điều kiện sẽ được bổ sung.

Đối với đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ trưởng khẳng định chính sách pháp luật về quản lý tài sản công cũng như pháp luật về ngân sách nhà nước quy định vốn có nguồn gốc từ nhà nước, vốn ODA không thu phí. Chính vì thế cầu Thủ Thiêm không thu phí, cầu Cần Thơ đang thu phí thì được yêu cầu dừng thu phí. Đối với đường tốc Tp.Hồ Chí Minh - Trung Lương thu phí vì đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, nên buộc phải thực hiện theo hợp đồng. Đến năm 2018, nhà đầu tư đã kết thúc quyền thu phí 5 năm, Bộ có trình xin ý kiến tiếp tục thu phí, nhưng Bộ Tài chính cho rằng vi phạm luật nên phải dừng thu phí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa 14, Nghị quyết 17 khi xây dựng đường cao tốc giai đoạn 1 trong năm nay sẽ xong 4 dự án, Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án hoàn vốn. Khi thu hoàn vốn sẽ rút kinh nghiệm, còn trong Luật Giao thông đường bộ và các quy định hiện hành có thu chi phí dịch vụ chất lượng cao trên đường cao tốc để có kinh phí duy tu, sửa chữa, phát triển đường cao tốc và đặc biệt là điều tiết giao thông.

Quá tải 20% sẽ tịch thu phương tiện giao thông

Về kiểm soát xe quá khổ quá tải, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để xử lý vấn đề này. Nhưng thường các loại xe này hoạt động trọng phạm vi hẹp, thời gian ngắn trong đường nhỏ để tránh công an. Do đó địa phương cần tăng cường kiểm tra các đường, ngõ, các khu công trình, điểm vận chuyển vật tư để xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo Bộ trưởng, lúc đăng kiểm thì các xe đăng kiểm chuẩn, sau đó họ mới vi phạm, cơi nới để chở quá tải. Do đó địa phương phải phối hợp theo dõi để xử lý.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu. Mặc dù Nghị định 100 vừa qua đã tạo đột phá rất lớn, tuy nhiên vẫn còn một số điểm còn hạn chế, trong đó có xử phạt xe quá tải. Bộ đang kiến nghị sẽ có quy định chặt chẽ xử phạt xe quá tải, nếu quá tải 10% sẽ xử phạt nghiêm, quá tải 20% sẽ tiến hành tịch thu phương tiện….

Đến 31/7/2022 sẽ hoàn thành lắp các trạm thu phí không dừng ở tất cả các làn đường

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, cần ứng dụng để giúp việc đi lại và nộp thuế phí của người dân được tiện lợi, công khai, minh bạch. Chính phủ đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp sơ suất kỹ thuật.

Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ đã không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra. Đến năm 2019, các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, vì vấn đề tái cơ cấu của Tổng Công ty Đường cao tốc nên chậm tiến độ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT trừ trạm của Tổng Công ty Đường cao tốc phải lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn. Đến 31/7 sẽ hoàn thành toàn bộ lắp các trạm thu phí đầy đủ ở tất cả các làn đường.

Lý giải quy định thời hạn đến 31/7/2022 không hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết là dựa trên cam kết của các đơn vị với Chính phủ. Đến thời điểm đó, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm.

Bình luận