Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 23/9/2019: Nhà đất TP.HCM, những mức giá… giật mình

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 23/9 có những nội dung nổi bật sau: Một dự án "ma" Alibaba lừa bán 4 lần: Nhiều người biết nhưng vẫn lao vào; Làn sóng đầu tư BĐS đô thị vệ tinh Sài Gòn...

Nhà đất TP.HCM, những mức giá… giật mình

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tại TP.HCM liên tục tăng giá ở các phân khúc, khiến ước mơ sở hữu nhà của người có thu nhập thấp ngày càng xa vời.

Cụ thể, một dự án mới được mở bán tại quận 1, có giá khoảng 70 triệu đồng/m2 đối với căn hộ 1 phòng ngủ. Căn hộ 2 phòng ngủ với diện tích 85 m2 đang được rao bán với giá 21 tỷ đồng. Còn những căn 3 phòng ngủ, có diện tích từ 140 - 180 m2 mức giá ở khoảng 47,7 - 50 tỷ đồng.

Tương tự, dự án The Peak Midtown tại quận 7 (TP.HCM), của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng hiện đang được các nhân viên kinh doanh rao bán với giá từ 6 - 7,7 tỷ đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 80 - 86 m2. Còn đối với căn có 3 phòng ngủ thì mức giá ở khoảng 10,5 - 11 tỷ đồng, tương đương 5.200 USD/m2. Mức giá này đã tăng khoảng 5 - 10% so với 6 tháng trước đây.

Hay một dự án tại quận Thủ Đức, gần xa lộ Hà Nội, lúc đầu có giá bán từ 55 - 70 triệu đồng/m2, hiện được giao dịch trên thị trường thứ cấp quanh mức 100 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Lý giải về việc giá bất động sản liên tục tăng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, giá của bất động sản bị chi phối bởi 3 quy luật. Đó là quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu.

Hiện tại, thị trường bất động sản TP.HCM thiếu dự án, đồng nghĩa với việc ít người cạnh tranh. Chưa kể, nguồn cung bị thiếu trong khi nhu cầu rất lớn thì giá sẽ bị đẩy lên.

Ở góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho biết, vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay là dự án mới được phê duyệt chậm, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhà ở đối với tất cả các phân khúc ngay giai đoạn 2020-2021.

Một dự án "ma" Alibaba lừa bán 4 lần: Nhiều người biết nhưng vẫn lao vào

Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba vẽ ra 40 dự án "ma", bán cho gần 7.000 khách hàng và thu lợi hơn 2.500 tỉ đồng. Ma mãnh hơn, một dự án "ma" nhưng Alibaba có thể bán tới 4 lần, nhiều người biết lừa nhưng vẫn lao vào vì tham lãi suất cao.

Theo nguồn tin PV Lao Động có được, mỗi lô đất trong một số dự án của Công ty Alibaba chia làm 3 đợt bán. Mỗi đợt bán đều phân ra làm 2 loại khách: 1 là khách nhận nền, 2 là khách không nhận nền mà chỉ nhận tiền lãi.

Theo đó, khi bán giai đoạn 1, số tiền bán được Công ty Alibaba chia theo tỉ lệ 30-70. Nghĩa là 30% sẽ trích ra làm hạ tầng như đường nhựa, điện đường, cây xanh... để chiêu dụ khách hàng sau này. 70% còn lại được tính theo cách phân lô bán nền, mỗi nền đất được chia theo 100m3, với giá bán dao động từ 3-10 triệu đồng/m2 và được xem là giá gốc ban đầu.

Những người mua giai đoạn 1, được xem là những người tuyến đầu mua đất nền thông qua hình thức góp vốn với giá gốc. Sau khi có hợp đồng góp vốn, người mua giai đoạn 1 có trách nhiệm "dẫn dắt" người khác vào mua giai đoạn 2 để hưởng lãi suất cao.

Khi bán giai đoạn 2, Công ty Alibaba sẽ chia theo nguyên tắc 20-80. Theo đó, 20% là khách hàng chọn nhận nền đất và 80% số còn lại chọn nhận lãi suất cao. Ai chọn nhận lãi suất sẽ có thêm điều kiện là nền đất đó được Alibaba có quyền sử dụng.

Giá bán đợt 2 là giá gốc đã bán đợt 1 + lãi suất phải trả cho khách hàng mua đợt 1 + 10% chi phí quản lý của Alibaba. Những người mua đợt 2 này đa phần là bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người mua đợt 1. Hay nói một cách dễ hiểu, chính người mua đợt 1 đã "dẫn dắt" những người mua đợt 2 vào mua để được hưởng lãi suất lên đến 36%/năm (tính theo số tiền hợp đồng của người mua đợt 2).

Cũng là lô đất "ma" trong dự án đấy, Alibaba lại tiếp tục tổ chức bán đợt 3 theo nguyên tắc 30-70. Theo đó, 30% sẽ nhận đất và 70% sẽ nhận mức lãi hấp dẫn lên đến 38%/năm.

Giá bán của đợt 3 tương tự như giá bán đợt 2, theo công thức: Giá gốc của đợt 2 + lãi suất trả cho khách mua đợt 2 + 10% chi phí quản lý. Những người mua đợt 3 này đa phần đều là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người mua đợt 2 "dẫn dắt" vào. Cứ như thế, Alibaba tiếp tục bán đợt 4 và cách thức được lập lại như bán đợt 2 và 3.

Nhiều người biết đất không có thật nhưng không đứng ra thưa kiện Alibaba, bởi hy vọng công ty này sẽ tổ chức mở bán lần 4, lần 5…

Điều này đã lý giải, sau 3 năm Alibaba làm mưa làm gió trên các dự án ảo với hàng nghìn người tham gia, nhưng không có ai đứng ra tố cáo đến cơ quan chức năng.

Sau khi lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, cơ quan cảnh sát điều tra kêu gọi, thì những người tham gia mua đất của Công ty Alibaba mới đứng ra khai báo và tố cáo đến Ban chuyên án.

Làn sóng đầu tư BĐS đô thị vệ tinh Sài Gòn của giới địa ốc phía Bắc

Thời gian gần đây, thị trường nhà đất ở một số khu vực vệ tinh TP.HCM đang hút mạnh dòng vốn của nhà đầu tư phía Bắc. Trong đó bất động sản các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… chiếm lợi thế hơn cả.

Nếu như trước đây các nhà đầu tư phía Bắc, đặc biệt là giới đầu tư BĐS Hà Nội chuộng loại hình căn hộ cao cấp ở trung tâm TP.HCM nhờ tỷ suất sinh lời từ cho thuê cao hơn tại Hà Nội từ 3-5% tuỳ vào dự án, thì nay một số thị trường nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh của TP.HCM cũng đang được quan tâm nhiều.

Thời gian gần đây, thị trường BĐS khu Đông TP.HCM như Đồng Nai đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư đến từ phía Bắc.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, một số nhà phát triển BĐS lớn đã chuyển hướng mở rộng thị trường tới các tỉnh lân cận TP.HCM. Đơn cử như Novaland phát triển khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City tại phía nam Biên Hòa, Đồng Nai, và nhiều khu đô thị tầm cỡ, được quy hoạch bài bản của các ông lớn khác tạo thành sức hút lớn cho khu vực này.

Với kinh nghiệm phát triển nhiều dự án BĐS lớn trên thị trường, Novaland đã nhắm tới thị trường Đồng Nai. Với lợi thế quỹ đất lớn rộng hàng trăm héc-ta, có địa thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong thuỷ tốt với sông nước bao quanh, tập đoàn Novaland đang rất tham vọng xây dựng một khu đô thị mới tầm cỡ, nhằm thu hút được sự dịch chuyển của người dân TP.HCM ra ven đô, vừa hút được làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư phía Bắc.

Giá nhà tại TP HCM leo thang trong 5 năm

Giá nhà tại TP HCM leo thang trong 5 năm.Căn hộ ở các phân khúc từ cao cấp, trung cấp đến bình dân đều tăng giá trên 50% trong chu kỳ 2015-2019.

DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo diễn biến giá bán căn hộ tại thị trường TP HCM giai đoạn 2015-2019 với biến động mạnh về giá đồng loạt ở các phân khúc chung cư cao cấp (hạng A), trung cấp (hạng B) và bình dân (hạng C). Trong chu kỳ 5 năm, giá căn hộ hạng A, B và C đã tăng bình quân trên 50%.

Năm 2015 giá bán bình quân căn hộ hạng A ghi nhận 40 triệu đồng mỗi m2 và lần lượt nhảy lên 45-55 triệu đồng mỗi m2 trong các năm 2016-2017, tức "đội" thêm bình quân 12,5% hàng năm.

Đến năm 2018, giá trung bình của phân khúc căn hộ cao cấp tại Sài Gòn nhích lên 57 triệu đồng mỗi m2, tăng dưới 4%. Tuy nhiên, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2019, giá chung cư hạng A đã vươn lên vùng giá 61 triệu đồng mỗi m2, tăng 7% trong 3 quý đầu năm và có dấu hiệu sẽ tiếp tục leo thang trong những tháng tới.

Trong khi đó, căn hộ hạng B cũng đã nhích từ vùng giá bình quân 21 triệu đồng mỗi m2 (năm 2015) lên mốc 32 triệu đồng mỗi m2 tính đến tháng 8/2019. Tuy nhiên, ở năm cuối của chu kỳ này, giá bình quân chung cư hạng B chỉ tăng 3%.

Còn chung cư hạng C, bị xếp sau nhà hạng A và B về chất lượng và vị trí, song dòng sản phẩm này vẫn bứt phá mạnh mẽ về giá trong 5 năm gần đây. Nếu năm 2015 căn hộ bình dân chỉ l6 triệu đồng mỗi m2 thì cuối tháng 8 vừa qua, giá nhà chung cư hạng C đã vọt lên 24 triệu đồng mỗi m2. Ghi nhận 12 tháng qua, giá bình quân căn hộ hạng C tăng đến 9%.

Đơn vị khảo sát này cho biết, cá biệt ở phân khúc căn hộ cao cấp đã có sự biến thiên mạnh từ giá bình quân đến giá trần (đỉnh). Vì vùng giá 61 triệu đồng mỗi m2 căn hộ cao cấp được ghi nhận chỉ là mức giá bình quân, nếu tính giá cao nhất, thị trường nhà chung cư TP HCM đã xuất hiện vùng giá hàng trăm triệu đồng cho căn hộ hạng sang.

DKRA Việt Nam cho biết, giá căn hộ tại TP HCM nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2019.

Novaland hợp tác các tập đoàn quốc tế phát triển du lịch Bình Thuận

Ngày 22/9, tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019, dưới sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ban ngành Trung ương, Tập đoàn Novaland đã tiến hành ký kết hợp tác quạn trọng với các đối tác quốc tế cho các chiến lược phát triển du lịch cao cấp.

Theo đó, Novaland đã ký kết hợp tác cùng The Professional Golfers’ Association of America (The PGA of America – Hiệp hội Gôn chuyên nghiệp Mỹ); International Management Group (IMG – Tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thể thao, sự kiện, truyền thông và thời trang) và Tập đoàn quản lý và vận hành khách sạn quốc tế của Pháp Accor (với các thương hiệu Sofitel, Pullman, Mercure, Ibis…).

Lễ kí kết hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn novaland cùng đối tác quốc tế The PGA of America – IMG – Accor

Cụ thể, Novaland  ký kết hợp tác với Hiệp hội Gôn Mỹ The PGA of America nhằm mục đích đem mô hình đào tạo môn gôn theo tiêu chuẩn mới và nâng tầm cơ sở vật chất của sân gôn đạt chuẩn quốc tế. PGA và Novaland sẽ hợp tác phát triển các chương trình đào tạo gôn cơ bản và chuyên sâu để đào tạo ra các nhà vô địch gôn của tương lai. The PGA of America cũng sẽ bảo trợ cho các thương hiệu sân gôn độc quyền của Novaland.

Novaland cũng hợp tác với IMG để tổ chức các giải đấu quốc tế với sự tham gia của những vận động viên gôn nổi tiếng thế giới đến với tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh đó, Novaland cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn quốc tế Accor để quản lý loạt khách sạn với quy mô khoảng 1.500 phòng nằm trong các tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng do Novaland đầu tư phát triển tại Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM. Chuỗi 07 khách sạn với các thương hiệu Novotel, Movenpick, MGallery và Mercure sẽ mang đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp cho du khách trong nước và quốc tế.

Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2019 – 2023 của Tập đoàn, Novaland tiếp tục triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2, tập trung vào ngành nghề chủ lực là bất động sản tại phân khúc trung cao.

Tổng quỹ đất đã tích lũy và đang nghiên cứu phát triển của Novaland hiện vào khoảng 4.300 ha, dành cho 03 dòng sản phẩm chủ lực, bao gồm BĐS trung tâm tại TP.HCM; bất động sản khu đô thị vệ tinh tại các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch.

Phú Quốc tiếp tục được quy hoạch thành khu kinh tế đặc biệt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến trước việc tỉnh Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế...

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), theo văn bản số 739, tháng 6/2018 của Thủ tướng. Quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 và quy định pháp luật về quy hoạch.

Gia Lai: “Vỡ mộng” với các dự án bất động sản

Các dự án bất động sản tại Gia Lai do thiết kế không phù hợp với thực tiễn nên thị trường nguội lạnh, èo uột. Cùng với việc quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho những nhà đầu tư kém năng lực “lách luật” để bán đất nền, đẩy khách hàng vào những rủi ro mất tiền, mất đất, tranh chấp, kiện tụng kéo dài.

“Mua lúa non” bằng việc ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà với nhà đầu tư, nhiều khách hàng tại Gia Lai lâm vào hoàn cảnh không được giao sổ đỏ, không được phép xây dựng nhà do vướng tranh chấp, những người đã làm được nhà cũng phải đối mặt với nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Bình Thuận: Gần 1.000 tỷ đồng làm mới tuyến đường ven biển

HĐND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư làm mới dự án duyệt phương án làm mới đường trục ven biển ĐT719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà đã được HĐND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án. Đây là dự án trọng điểm cấp bách cần được đầu tư và sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 25,5 km, chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 1.000 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh…

Bên cạnh dự án trên, thời gian tới tỉnh Bình Thuận cũng sẽ đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường như dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT718, đoạn từ Ga Bình Thuận đến xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam hay dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện.

Bản tin bất động sản hôm nay 19/9/2019: Phân khúc bất động sản nào sẽ bùng nổ vào cuối năm 2019? - Bản tin bất động sản ngày 19/9 có những nội dung nổi bật sau: Làn sóng đầu tư đất nền ven biển đổ về các vùng đất mới; Đấu giá 55 lô “đất vàng” ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm..
Tập đoàn Novaland với sứ mạng: Kiến tạo cộng đồng – Xây dựng điểm đến – Vun đắp niềm vui- Ngày 18/9, Tập đoàn Novaland kỷ niệm 27 năm thành lập và phát triển. Novaland hiện sở hữu danh mục hơn 40 dự án nhà ở tại các vị trí trọng điểm của TP.HCM với nhiều loại hình sản phẩm ...
Bình luận