Chờ...

Chạn vương là gì? “Chạn vương” có thật sự xấu hay không?

VOH - Dao gần đây, cụm từ “chạn vương” thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội, thậm chí là trong những cuộc trò chuyện hàng ngày. Vậy chạn vương là gì?

Từ xưa đến nay, chúng ta thường chỉ nghe nhắc nhiều về định kiến “phụ nữ thích lấy chồng giàu”, thế nhưng thực tế, không chỉ phụ nữ mà một số đàn ông cũng thích lấy vợ giàu có để dựa dẫm. Những người đàn ông như thế được gọi là “chạn vương”. Vậy chạn vương là gì, cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Chạn vương là gì?

“Chạn vương” là một từ ghép, được ghép bởi từ “chạn” và “vương”. Đây là hai từ đơn có ý nghĩa như sau:

  • Chạn: Là cái giá được chia từng ngăn, dát thưa hoặc bọc lưới ở các mặt, dùng để đựng bát đĩa, thức ăn.
  • Vương: Là danh xưng hay tước vị của chế độ phong kiến Đông Á, đứng đầu một Vương quốc, Thân vương quốc hay dành cho hoàng thân của Hoàng tộc. Hoặc có thể hiểu đơn giản “vương” là vua - người có quyền lực mạnh nhất.
Chạn vương là gì? “Chạn vương” có thật sự xấu hay không? 1
"Chạn vương" nghĩa là gì? - Ảnh: Internet

Cụm từ “chạn vương” có thể hiểu theo hai nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên xuất phát từ câu tục ngữ “chó chui gầm chạn”, để chỉ những người thấp cổ bé họng khi gặp điều phiền phức, bị mắng nhiếc hay bị đánh đập họ thường sẽ tìm nơi để trú ẩn, nương tựa và bảo vệ bản thân, nhưng lại không dám đứng lên phản kháng, chỉ biết than vãn một cách đáng thương.

Cũng giống như những chú chó, mỗi khi bị chủ đánh đập, chúng sẽ chạy đi núp ở dưới gầm chạn, gầm giường để trốn. Bởi chúng nghĩ rằng đó nơi an toàn nhất. Chỉ cần núp ở những nơi có không gian tù túng, bó buộc như gầm chạn thì sẽ không ai phát hiện ra và không bị đánh.

Còn theo nghĩa ẩn dụ, ý nghĩa từ chạn vương được dùng để ám chỉ những người đàn ông thích lấy vợ giàu để được hưởng thụ cuộc sống xa hoa, không cần lao động vất vả nhưng vẫn có được cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Nguồn gốc ra đời của từ “chạn vương”

“Chạn vương” vốn là một cụm từ mỉa mai dành cho cánh mày râu, nhất là đối với những chàng trai đi ở rể. Bởi người xưa quan niệm rằng, đi ở rể nghĩ là đang cậy nhờ gia đình nhà vợ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngôn ngữ và sự sáng tạo của giới trẻ, “chạn vương” thường dùng với ý nghĩa chế nhạo những người đàn ông có xu hướng mơ ước danh lợi và phụ thuộc vào gia đình bên vợ, thích không làm nhưng vẫn có ăn, ăn không ngồi rồi trên tài sản và của cải của người khác.

Những người đàn ông này chưa thể hiện đúng nghĩa vụ “làm trai cho đáng nên trai”, lại còn rất tương xứng với câu nói “sóng gió phủ đời trai, tương lai nhờ nhà vợ”.

Xem thêm:
Những câu nói hay về đàn ông khiến bạn phải giật mình vì… quá đúng
Những câu nói hay về gia đình ngắn gọn, đáng suy ngẫm
80 status về con trai, cap hay về đời con trai ngắn gọn hài hước

Vì sao từ “chạn vương” lại được dùng cho nam giới?

Chúng ta đều biết, đàn ông thời xưa vốn rất được xem trọng. Những người cao quý như vua chúa hay họ hàng thân thích của vua thường được tôn kính và xưng “vương”.

Và trong một số ngữ cảnh khi nói về “quốc vương” hay “vị vương” thì từ “vương” sẽ được liên kết với nam giới. Có lẽ vì sự liên kết này mà từ “chạn vương” thường được dùng để chỉ nam giới nhiều hơn nữ giới.

Chạn vương là gì? “Chạn vương” có thật sự xấu hay không? 2
Cụm từ "chạn vương" thường được dùng cho nam giới - Ảnh: Internet

Thậm chí, người ta còn đưa ra một số đặc điểm để giúp nhận biết “chạn vương” thời nay như sau:

  • Người bị coi là “chạn vương” là người thích sống dựa vào gia đình nhà vợ quyền lực. Người đó hầu như được nhận tất cả mọi chu cấp từ phía gia đình nhà vợ mà không cần phải làm gì cả.
  • "Chạn vương" cũng không có tiếng nói trong gia đình, đôi khi còn bị chính gia đình nhà vợ coi thường và luôn bị hàng xóm gièm pha, lời ra tiếng vào.

“Chạn vương” có thật xấu hay không?

Trước đây, từ “chạn vương” thường dùng để ám chỉ những người đàn ông đi ở rể. Hiện tại, chúng được dùng để nói những người thích cưới vợ giàu để hưởng ké giàu sang.

Có rất nhiều người đàn ông Việt ngày nay bị gắn mác “chạn vương”, thậm chí có cả những nhân vật nổi tiếng trong showbiz như: Tuấn Hưng, Thanh Bùi, Bình Minh… mà bản thân người đi đồn thổi cũng chẳng hề biết rõ thực hư câu chuyện của họ là như thế nào.

Phải nói rằng, rất nhiều người còn chẳng hiểu rõ ý nghĩa chạn vương nhưng lại thích dùng từ “chạn vương” để dè bỉu hết người này đến người khác, bởi định kiến ở rể giống như “ăn bám” nhà vợ.

Thực tế dù ngày xưa hay ngày nay, không phải ai đi ở rể hay lấy vợ giàu sang cũng đều mang tâm thế “hưởng của” gia đình vợ. Đôi khi, việc bạn lấy được một người vợ giàu có sẽ giúp bạn có được một hậu phương vững chắc và tài chính đủ mạnh để phát triển sự nghiệp tương lai.

Chạn vương là gì? “Chạn vương” có thật sự xấu hay không? 3
Cần có cái nhìn khoan dung hơn với những anh chàng ở rể bởi không phải ai cũng là "chạn vương" - Ảnh: Internet

Hoặc là đôi lúc việc bạn buộc phải ở rể không phải gia đình yếu kém về mặt tài lực, mà là gia đình vợ chỉ có một cô con gái, họ không muốn con mình phải gả đi xa, muốn giữ con lại nên có hướng kén rể về.

Xã hội ngoài kia có rất nhiều trường hợp chàng trai chấp nhận ở rể, nhưng họ vẫn chăm lo bảo vệ gia đình nhỏ của mình, họ vẫn độc lập về kinh tế, sống không phụ thuộc vào vợ hay gia đình vợ.

Do đó, không phải tất cả những người đàn ông đi ở rể đều sẽ trở thành “chạn vương”. Việc quy chụp vô cớ những anh chàng có phúc lấy được vợ giàu là một cách nhìn vô cùng phiến diện và có phần ghen tỵ với vận may người khác.

Trên đây là những thông tin về chạn vương là gì cũng như một số quan điểm về việc ở rể trong xã hội xưa và nay. Mong rằng với những điều vừa chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từ chạn vương cũng như có cái nhìn khoan dung hơn với những chàng trai đi ở rể.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức