Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lễ tạ cuối năm – cúng trả lễ như thế nào?

VOH – Lễ tạ cuối năm là một trong những nghi thức cổ truyền quan trọng của người Việt, thường được thực hiện trước thềm Tết Nguyên đán.

Dân gian quan niệm, đầu năm xin lộc, cuối năm tạ lễ. Đây không chỉ là tín ngưỡng, là nghi thức tạ ơn mà còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Vậy, cúng trả lễ làm vào ngày nào? Mâm lễ gồm những gì? Văn khấn ra sao? Cùng VOH tìm hiểu về lễ tạ cuối năm qua bài viết sau.

Ý nghĩa lễ tạ cuối năm

Lễ tạ cuối năm bao gồm các nghi thức như lễ tạ đất, tạ Thổ công, lễ tạ mộ, cúng trả lễ.

di-den-dau-nam-minh-hoa
Người Việt thường đi đền, chùa... cầu sức khỏe, cầu bình an vào dịp đầu năm và trả lễ vào cuối năm - Ảnh minh họa: Hải Nguyễn/Báo Lao Động

Lễ cúng tạ đất hay tạ Thổ công là nghi thức tri ân vị thần phù hộ cho gia đình trong suốt một năm

Lễ tạ mộ tưởng nhớ, tri ân người đã khuất trong gia đình, dòng tộc đồng thời tạ ơn thần linh, Thổ địa tại khu vực đặt mộ phần đã chiếu cố, bảo vệ giúp gia tiên an lạc và phù hộ cho con cháu trong suốt năm qua. Ngoài ra, vào lễ tạ mộ cuối năm con cháu cũng sẽ sửa sang dọn dẹp phần mộ cho sạch đẹp và mời các cụ về ăn Tết.

Lễ tạ trả lễ được hiểu là đầu năm đi xin lộc, cầu an… ở chùa, đền, phủ… nào thì cuối năm phải cúng trả lễ ở đó. Điều này thể hiện lòng thành kính, biết ơn với thần linh cũng như các bậc tiên thánh.

Ngoài ra, cúng trả lễ cuối năm cũng thể hiện cách sống có trước, có sau, đem lại sự yên tâm, thanh thản để bắt đầu một năm mới may mắn, thuận lợi.

Lễ tạ cuối năm thực hiện vào ngày nào?

Lễ tạ  - cúng trả lễ cuối năm được thực hiện trong tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch). Lễ tạ đất, tạ Thổ công thường diễn ra từ 10/10 Âm lịch đến trước 23/12 Âm lịch (cúng ông Công, ông Táo). Còn lễ tạ mộ diễn ra từ 20 – 30 tháng Chạp (tùy văn hóa từng vùng miền).

Mâm cúng trả lễ cuối năm gồm những gì?

Người xưa quan niệm, cái lễ cốt nằm trong chữ tâm, không phải nhiều hay ít. Vì vậy, lễ vật cúng trả lễ cuối năm không cần cầu kỳ mà nên được chuẩn bị với tấm lòng thành tâm và chỉn chu, gọn gàng.

Lễ vật cơ bản gồm: hương hoa, trà, quả, phẩm oản…

Lễ này có thể dùng để dâng ban Phật, Bồ Tát tại chùa hoặc một số đền có đặt ban thờ Phật; ban Thánh Mẫu cũng có thể dâng.

Với ban thần linh, chúng ta nên sắm thêm hàng mã như tiền vàng, nón hài… để dâng cùng. Với đền, phủ, người dâng lễ tạ có thể chuẩn bị thêm lễ mặn như gà, giò, xôi… (được nấu chín).

cung-tra-le-cuoi-nam-voh
Mâm cúng trả lễ không thể thiếu hoa tươi - Ảnh minh họa: Pixabay

Văn khấn lễ tạ cuối năm tại chùa, đền, phủ

Đến chùa, đền, phủ làm lễ tạ cuối năm, ngoài lễ vật, chúng ta còn cần chuẩn bị cả văn khấn phù hợp. Dưới đây là một số bài khấn thông dụng do VOH tổng hợp.

Văn khấn Tam Bảo

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Đệ tử con thành tâm kính lạy mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long Bát Bộ.

Hôm nay là ngày… tháng… năm…

Tín chủ con là… Ngụ tại…

Thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng (nếu viết sớ đặt trên mâm lễ vật) lên cửa mười phương thường trụ Tam Bảo.

Chúng con xin dốc lòng kính lễ:

Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi cực lạc Tây phương.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Sa Bà.

Đức Phật Dược sư Lưu Ly giáo chủ cõi Đông phương.

Đức Thiên thủ, Thiên nhãn, Ngũ bách danh tầm thanh cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Kính lạy Đức Hộ Pháp thiện thần, Chư Thiên Bồ Tát.

Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được… (công danh, tài lộc, bình an…)

Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc tâm thành (sớ trạng) chứng minh, chứng giám cho con được tai qua nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ tiêu tan, phát lộc phát tài, gia trung mạnh khoẻ, trên dưới thuận hòa an khang thịnh vượng.

Chúng con người phàm trần tục lầm lỗi còn nhiều. Cúi mong Phật, Thánh từ bi đại xá cho con (và gia đình) được tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Tín chủ chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Văn khấn Ban Công Đồng

Nam mô a di đà phật (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư Phật mười phương, mười phương chư Phật.

Con lạy toàn thể chư Phật, chư tiên, chư thánh.

Con lạy… (tên thánh chủ bản đền)

Đệ tử con tên là… tuổi… Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng… năm… , chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả (dâng gì thì kêu đó) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua.

Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc… (nếu xin việc cụ thể mà thành công thì xin trình bày) của con đã hanh thông vẹn tròn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.

Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau… (nêu các việc cần xin).

Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài giang tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ… (tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.

Nam mô a di đà phật (3 lần, 3 lạy).

Văn khấn Thành Hoàng

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn Thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.

Hương tử con là… Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng… năm…

Hương tử con đến nơi…

Thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên Đình giáng lâm trên đất nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản......(dâng gì kêu đó).

Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giám, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khỏe dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Văn khấn Tam Tòa Thánh Mẫu

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Hiệu Thiên chí tôn kim quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao thượng đế.

Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con xin kính Cửu trùng Thanh Vân lục cung công chúa.

Con kính lạy Đức thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng Công chúa, sắc phong Chế Thắng Hoà Diệu đại vương, gia phong Tiên Hương Thánh mẫu.

Con kính lạy Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương.

Con kính lạy Đức đệ tam thủy phủ, Lân nữ công chúa.

Con kính lạy Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vi chầu bà, năm tòa quan lớn, mười dinh các quan, mười hai Tiên cô, mười hai Thánh cậu, ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch xà đại tướng.

Hưởng tử (chúng) con là… Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng… năm…, Hương tử con đến nơi Điện (Phủ, Đền)… chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái, lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin các Ngài xót thương phù hộ độ trì cho gia chung chúng con sức khỏe dồi dào, phúc thọ khang ninh, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Lưu ý khi cúng trả lễ cuối năm

  • Đi cúng trả lễ cuối năm tại chùa, đền, phủ… cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng.
  • Chuẩn bị lễ vật phù hợp với nơi làm lễ tạ cuối năm,
  • Kiểm tra lại lễ vật trước khi xuất phát để đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, tươm tất.
  • Không nên tự ý chụp ảnh, quay phim hay có những lời nói, thái độ, hành động không phù hợp.

Cúng trả lễ là nghi thức cảm tạ thiên địa trời đất, Phật, Thánh đã ban sức khỏe, hạnh phúc, bình an… trong suốt năm qua. Cùng với lễ tạ đất, tạ Thổ công hay tạ mộ, đây là những nghi thức cổ truyền, có ý nghĩa với người Việt và không thể thiếu mỗi dịp cuối năm!

(Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo)

Theo dõi VOH Thường thức để đọc thêm nhiều bài viết mới!

Bình luận