Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lễ tạ đất cuối năm là gì? Gợi ý lễ vật cần sắm và mẫu văn khăn khấn

VOH - Lễ cúng tạ đất cuối năm là một trong những nghi lễ truyền thống trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thần linh, là một phần quan trọng trong văn hóa tâm linh người Việt và các nước Á Đông.

Một trong những ngày lễ được rất nhiều gia đình Việt thực hiện vào những ngày cuối năm âm lịch chính là lễ tạ đất. Vậy lễ tạ đất cuối năm là gì, cúng vào thời gian nào, cần sắm sửa lễ vật và văn khấn ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Lễ tạ đất cuối năm là gì?

Lễ tạ đất còn có tên gọi khác là lễ cúng đất đai, đây là một nghi lễ mang đậm nét tâm linh và tín ngưỡng dân gian. Lễ cúng này có thể thực hiện trong nhiều thời điểm khác nhau như: cúng đầu năm, cúng khai trương, cúng chuyển nhà… và thường thấy nhất là cuối năm.

Lễ tạ đất cuối năm thường được tổ chức vào dịp cuối năm âm lịch, được nhiều gia đình thực hiện để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần cai quản đất đai, nhà cửa, bếp núc. Đồng thời cũng là dịp để gia chủ cầu mong những điều may mắn, bình an, tài lộc và sự phù hộ của thần linh.

voh-le-ta-dat-cuoi-nam-1
Lễ cúng tạ đất cuối năm là một nghi lễ thường được nhiều gia đình thực hiện vào thời điểm cuối năm - Ảnh: internet

Nguồn gốc lễ tạ đất cuối năm

Lễ tạ đất cuối năm bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thần linh trong văn hóa Á Đông, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Thổ Công - vị thần cai quản đất đai của mỗi gia đình.

Người xưa có câu: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, cho nên trong tâm niệm của nhiều người, các vị chư thần như thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ (gọi chung là Thổ Công) là những người cai quản đất đai.

Theo quan niệm dân gian Á Đông, Thổ Công cùng các vị thần linh đã che chở, phù hộ gia đình trong năm qua, do đó, cuối năm người dân làm lễ cúng tạ đất để tạ ơn các vị thần đó.

Ý nghĩa lễ cuối tạ đất cuối năm

Người xưa hay nói, đầu năm nếu có “xin lộc” ở đền chùa nào thì cuối năm dù bận rộn như thế nào cũng phải cố gắng sắp xếp thời gian quay về nơi đó cúng tạ lễ. Và với việc làm lễ cúng tạ đất cuối năm chính là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã chở che, phù trợ nơi mình đang cư ngụ. Điều này không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, ý nghĩa của lễ tạ đất cuối năm còn thể hiện mong ước của gia chủ cho một năm mới thuận lợi, công việc suôn sẻ, tránh được tai ương. Lễ cúng cũng là dịp để các thành viên gia đình tụ họp, sum vầy.

Hơn thế, lễ tạ đất cuối năm thường được tổ chức vào những ngày cuối năm nên nhiều gia đình cũng kết hợp dọn dẹp nhà cửa, sân vườn để chuẩn bị đón Tết. Điều đó mang lại cho mỗi cá nhân sự tươi mới và tinh thần tích cực.

Làm lễ tạ đất cuối năm vào ngày nào?

Ngày làm lễ tạ đất cuối năm không có quy định sẽ tổ chức cố định vào một ngày cụ thể nào mà thường sẽ diễn ra vào tháng Chạp âm lịch (sau ngày rằm tháng Chạp và trước Tết Nguyên Đán).

Do lễ cúng tạ đất cuối năm không bắt buộc nên nhiều gia đình đều chọn tổ chức chung với lễ cúng đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) hoặc cúng vào lễ tất niên.

Lễ cúng tạ đất cuối năm ở trong nhà hay ngoài sân?

Thông thường, lễ tạ thần đất cuối năm sẽ được thực hiện ở ngoài trời, tại sân hoặc khu đất trống trước nhà.

Tuy nhiên, với những gia đình có điều kiện không cho phép, gia chủ có thể thực hiện lễ cúng tạ đất ở trong nhà. Khi cúng tạ đất trong nhà cần lưu ý:

  • Lựa chọn nơi cúng sạch sẽ, thoáng mát, có không gian rộng rãi để mâm lễ cúng tạ đất cuối năm.
  • Chuẩn bị lễ vật cúng đầy đủ, trang trọng như khi cúng ở ngoài trời.
  • Thái độ thành kính khi thực hiện nghi thức cúng tạ lễ.

Lễ tạ đất cuối năm gồm những gì?

Mâm lễ vật cúng tạ đất cuối năm không nhất thiết phải giống nhau ở tất cả các gia đình Việt, mà có thể được điều chỉnh tùy theo điều kiện kinh tế, văn hóa vùng miền và tín ngưỡng cá nhân.

Ở miền Bắc khi làm lễ cúng tạ đất đầu năm hay cuối năm thường sẽ có xôi, gà luộc, bánh chưng, rượu và các món ăn truyền thống như chè, trái cây theo mùa.

Đối với người dân miền Trung, mâm lễ cúng tạ đất thường giản dị hơn, gồm xôi, bánh tét, heo quay hoặc gà luộc và rượu.

Còn ở miền Nam, nhiều gia đình khi chuẩn bị lễ cúng tạ đất cuối năm thường chuộng mâm lễ phong phú với bánh tét, trái cây ngũ quả, heo quay và các món ăn đặc trưng của địa phương.

voh-le-ta-dat-cuoi-nam-2
Mâm cúng lễ tạ đất thường có những món lễ vật đặc trưng thường thấy - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, dù mỗi vùng miền có cách chuẩn bị mâm cúng tạ đất cuối nămkhác nhau, nhưng nếu để ý sẽ thấy dù ở nơi đâu cũng đều có những lễ vật đặc trưng thường thấy như:

  • Hương, hoa, đèn nến
  • Xôi và gà luộc
  • Rượu, nước trắng và trà
  • Trái cây
  • Bánh tét, bánh chưng
  • Trầu cau
  • Giấy tiền vàng mã

Văn khấn lễ tạ đất cuối năm

Lễ tạ đất cuối năm có thể thực hiện ở ngoài sân hoặc ở trong nhà, do đó văn khấn lễ tạ đất sẽ có cả phần khấn bái ngoài sân và trong nhà. Dưới đây là mẫu văn khấn lễ tạ đất cuối năm bạn có tham khảo:

Bài văn khấn lễ tạ đất cuối năm

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con kính lạy:

Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

Ngài Đông Trù Tư mệnh Táo Phủ Thần quân.

Ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch Tôn thần.

Các Ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc Đức Tôn thần.

Các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ..., nhằm ngày ... tháng Chạp năm ...

Tín chủ (chúng) con là: (Họ tên)

Ngụ tại: (Địa chỉ nhà ở)

Chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật, rượu trà, bánh trái, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời chư vị Tôn thần lai giáng, chứng giám lòng thành.

Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, chúng con thành tâm cúng lễ để tạ ơn các Ngài đã che chở, phù hộ cho gia đình chúng con một năm qua được bình an, mọi việc hanh thông, vạn sự như ý.

Chúng con cầu xin các Ngài tiếp tục phù hộ độ trì, cho gia đình chúng con bước sang năm mới được mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, công việc thuận lợi, mọi sự tốt lành.

Kính mong các Ngài nhận lễ vật, chứng giám lòng thành.

Tín chủ con cúi xin Chư vị Tôn thần tiếp tục phù hộ và độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Bài văn khấn phần lễ gia tiên

Con kính lạy:

Gia tiên tiền tổ họ (họ của gia đình).

Các cụ Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ tỷ, chư vị Hương linh nội ngoại dòng họ.

Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ..., nhằm ngày ... tháng Chạp năm ...

Tín chủ con là: (Họ tên)

Ngụ tại: (Địa chỉ nhà ở)

Chúng con thành tâm sắm sửa lễ vật, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính mời:

Chư vị gia tiên tiền tổ, bà cô ông mãnh, tổ cô ông mãnh, nội ngoại họ ... (họ của gia đình) cùng về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con xin kính báo năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến. Nhờ hồng phúc tổ tiên, gia đình chúng con một năm qua được bình an, công việc hanh thông.

Chúng con cúi xin các cụ tiếp tục phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, hạnh phúc, vạn sự như ý.

Kính xin chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Lưu ý: Văn khấn lễ tạ đất có thể được tùy chỉnh dựa trên phong tục vùng miền, tín ngưỡng, hoặc lời khấn của gia đình.

Cũng giống như nhiều lễ khác trong tín ngưỡng dân gian, lễ cúng tạ đất cuối năm là một nghi lễ thể hiện nét đẹp đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết và nâng cao giá trị tinh thần trong đời sống của người dân Việt.

*Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận