Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải đáp mùng 1, mùng 2 đầu tháng kiêng ăn gì?

VOH – Xuất phát từ mong muốn có một tháng thuận lợi, may mắn, dân gian quan niệm nên kiêng một số món ăn vào ngày mùng 1, mùng 2 đầu tháng.

Theo dân gian, mùng 1, mùng 2 đầu tháng là những ngày quan trọng, cần chú ý đến mọi việc bao gồm cả chuyện ăn uống. Để vạn sự trong tháng mới được hanh thông, may mắn, mọi người thường kiêng ăn những món nhất định. Trong bài viết này, VOH sẽ cùng bạn giải đáp câu hỏi mùng 1, mùng 2 đầu tháng kiêng ăn gì và lý do dẫn đến quan niệm này.

Mùng 1, mùng 2 đầu tháng kiêng ăn gì?

Người Việt quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Bởi vậy, ngoài việc thắp hương, vào các ngày mùng 1, mùng 2 đầu tháng, nhất là theo lịch Âm, mọi người sẽ chú ý đến cả việc ăn uống. Câu hỏi đầu tháng kiêng ăn gì cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Thịt vịt

Thịt vịt không chỉ bổ dưỡng, là món khoái khẩu của nhiều người Việt mà còn là một trong những món ăn chính của dịp Tết Đoan ngọ - Tết diệt sâu bọ 5/5 Âm lịch hàng năm. Vậy vì sao mùng 1 nhiều người lại kiêng ăn vịt?

Người miền Bắc và miền Trung cho rằng, đầu tháng ăn thịt vịt sẽ xui xẻo, không may mắn, “tan đàn, xẻ nghé”. Có quan niệm giải thích, vịt bơi lội linh hoạt, gợi liên tưởng đến sự trôi chảy, không chắc chắn, không bền vững. Lại có người lý giải dáng đi của con vịt lạch bạch, chậm chạp nên ăn vịt đầu tháng có thể sẽ kém thuận lợi.

Tóm lại, người ta thường kiêng ăn vịt vào ngày mùng 1, mùng 2 với mong muốn có một tháng suôn sẻ, thành công hơn. Song điều thú vị là vào dịp cuối tháng, thịt vịt lại được coi là món “giải đen”.

mung-1-dau-thang-kieng-an-vit-voh
Nhiều người kiêng ăn thịt vịt trong ngày đầu tháng - Ảnh: Pixabay

Thịt chó

Thịt chó là món ăn nằm top đầu trong những món ăn kiêng kỵ đầu tháng, đầu năm ở cả ba miền. Người xưa tin rằng, ăn thịt chó vào ngày quan trọng như mùng 1, mùng 2 sẽ khiến cho cả tháng đó không được may mắn. Cho nên, để không làm ảnh hưởng đến vận may, tài lộc đồng thời giữ được tâm lý thoải mái, nhiều người sẽ cho chúng vào “danh sách đen”.

Tuy nhiên hiện nay, chó là thú cưng, là người bạn thân thiết của con người nên từ thói quen kiêng thịt chó đầu tháng, mọi người đã dần chuyển sang lựa chọn không ăn thịt chó. Cho nên món ăn này cũng không còn quá phổ biến.

Mực

Chúng ta vẫn thường nghe thấy mọi người nói “đen như mực”. Chữ “đen” trong quan niệm dân gian cộng với túi mực màu đen của loài động vật này khiến con người dễ dàng liên tưởng đến sự đen đủi, không thuận lợi.

Đó chính là lý do khiến mọi người kiêng ăn mực vào ngày mùng 1, mùng 2. Nói cách khác, vì mong muốn có một tháng mới, một năm mới suôn sẻ nên người Việt mới tránh ăn mực vào những dịp này. Tại một số nơi, những ngày có ý nghĩa quan trọng như ngày thi cử, ngày đi làm ăn… người ta cũng không ăn các món từ mực.

Trứng vịt lộn

Không chỉ có mùng 1, mùng 2 đầu tháng kiêng ăn trứng vịt lộn mà trong ngày Tết, nhiều người cũng không ăn món này. Dân gian cho rằng chữ “lộn” sẽ gây ra sự lộn ngược, đảo ngược, nhầm lẫn, xáo trộn. Mọi việc có thể từ tốt thành xấu, từ may mắn thành xui xẻo hay xảy ra ngược với ý muốn.

Bên cạnh đó, ăn trứng vịt lộn còn mang ý nghĩa sát sinh nên không phù hợp với ngày mùng 1 đầu tháng, đầu năm hay cả ngày rằm.

mung-1-dau-thang-kieng-an-trung-vit-lon-coh
Nhiều người quan niệm không nên ăn trứng vịt lộn vào mùng 1 vì nó có thể dẫn đến sự xáo trộn, đảo ngược - Ảnh: TNO

Cá mè

Quan niệm kiêng ăn cá mè mùng 1, mùng 2 đầu tháng khá phổ biến ở miền Bắc và miền Trung. Lý do là bởi nhiều người cho rằng chữ “mè” có liên quan với mè nheo (nói nhiều và dai dẳng gây khó chịu).

Cá mè cũng có nhiều xương cùng vị tanh rõ hơn các loại cá khác. Đầu tháng mà ăn thì có thể sẽ vướng phải những điều không thuận lợi, cả tháng không được hanh thông.

Tôm

Vì sao lại kiêng ăn tôm vào mùng 1, mùng 2 đầu tháng, thậm chí là cả đầu năm? Theo dân gian, tôm bơi giật lùi, không tiến về phía trước. Cho nên ăn tôm sẽ khiến cả tháng, cả năm bị thụt lùi, trì trệ.

Mắm tôm, tỏi

Vì sợ bị xui xẻo nên dù có yêu thích đến đâu, nhiều người, đặc biệt là người miền Bắc, cũng sẽ kiêng ăn mắm tôm trong ngày đầu tháng.

Thêm vào đó, “mùng 1 sớm mai, mùng 2 đầu tháng” người Việt thường đi lễ đền, chùa… để cầu an, cầu may. Không ăn mắm tôm và tỏi cũng là để tránh mùi nặng, không thanh tịnh hay tránh xúc phạm thần linh.

Với tỏi, chúng ta có thể thấy thêm rằng vì mùi vị cay nồng không phù hợp nên chúng cũng không được sử dụng trong những món cúng đặt trên bàn thờ tổ tiên.

mung-1-dau-thang-kieng-an-mam-tom-voh
Mắm tôm nặng mùi nên dân gian cũng kiêng ăn vào ngày đầu tháng - Ảnh: Internet

Chuối tiêu

Liên quan đến việc kiêng ăn chuối vào đầu tháng, miền Bắc và miền Nam có những cách lý giải khá thú vị. Với miền Bắc, chứ “tiêu” trong chuối tiêu được liên tưởng với tiêu tán tài sản. Với miền Nam, cách phát âm từ chuối giống với “chúi” mang ý nghĩa ngả đầu về phía trước hay không ngẩng/ngóc đầu lên được nên cũng được coi là không may mắn.

Cháo trắng

Cháo trắng là một trong những vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch. Vì vậy, nhiều người lo lắng rằng ăn cháo trắng vào mùng 1 sẽ khiến ma quỷ nghĩ chúng bị giành ăn từ đó tức giận, dẫn đến tìm cách quấy phá.

Sầu riêng

Mọi người cho rằng, kiêng ăn sầu riêng mùng 1 đầu tháng là do chúng có mùi khá nặng, kém thanh tịnh. Bên cạnh đó, chữ “sầu” mang ý nghĩa buồn rầu cũng được cho là không may mắn, gợi liên tưởng đến những điều buồn phiền.

Một số điều kiêng kỵ trong ngày mùng 1 đầu tháng

Không chỉ kiêng ăn một số món trong ngày mùng 1, để có một tháng may mắn, suôn sẻ, dân gian còn quan niệm:

  • Kiêng xuất tiền của, vạy vượn, đòi nợ để tránh ảnh hưởng đến tiền của, tài lộc.
  • Kiêng cho lửa, nước vì chúng đại diện cho may mắn, tài lộc.
  • Tránh cắt tóc, cắt móng tay ngày đầu tháng vì đây những bộ phận của cơ thể.
  • Kiêng tranh cãi, bất hòa, nói bậy, nói chuyện xui để giữ hòa khí, vui vẻ cho cả tháng.
  • Không làm đổ vỡ đồ đạc vì dân gian cho rằng nó có thể là dấu hiệu của sự tan vỡ, chia lìa.
  • Kiêng kì kèo, trả giá rồi không mua, với người bán điều này sẽ khiến việc làm ăn trong tháng không được suôn sẻ, may mắn.
  • Không nên nhặt tiền trên đường, người xưa cho rằng việc này có thể khiến bản thân dính vận xui.
  • Kiêng thăm hỏi phụ nữ mới sinh vì dân gian quan niệm “sinh dữ tử lành”, người làm ăn đi thăm bà đẻ có thể sẽ không còn vận may. Ngoài ra, trong tháng đầu mới sinh, cả mẹ và bé cũng cần thời gian để nghỉ ngơi.
  • Kiêng quan hệ nam nữ vì theo quan niệm của người phương Đông, việc này có thể dẫn đến những điều không may mắn.

Qua bài viết giải đáp mùng 1, mùng 2 đầu tháng kiêng ăn gì, kiêng làm gì, VOH hy vọng bạn không chỉ có được câu trả lời mà còn biết thêm nhiều điều thú vị về những quan niệm trong dân gian. Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức để đọc các bài viết hay!

(*)Thông tin bài viết chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo.

Bình luận