- Rằm tháng Giêng là gì?
- Ý nghĩa rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt
- Rằm tháng Giêng cúng gì?
- Ý nghĩa các món ăn trong mâm đồ cúng rằm tháng Giêng
- Nên cúng rằm tháng giêng vào ngày 14 hay 15?
- Cúng rằm tháng Giêng vào giờ nào?
- Mẫu văn khấn cúng rằm tháng Giêng
- Những điều kiêng kỵ cần biết vào ngày rằm tháng Giêng
- Gợi ý những loài hoa, quả phù hợp cúng rằm tháng Giêng
Cùng với lễ vía Thần Tài thì trong tháng Giêng này không thể không nhắc đến lễ cúng rằm tháng Giêng. Trong văn hóa tâm linh của người Việt, cúng rằm tháng Giêng vào chính ngày Rằm là tốt nhất và linh thiêng nhất, có thể giúp gia đạo thuận hòa, cả năm may mắn.
Rằm tháng Giêng là gì?
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới theo lịch vạn niên. Dân gian có câu nói “cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” đã cho thấy đây là một dịp lễ Tết quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.
Có rất nhiều giải thích về lý do rằm tháng Giêng được xem là dịp lễ Tết quan trọng của người dân. Người xưa tin rằng rằm tháng Giêng chính là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm, đây cũng chính là đêm Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, vì thế người dân thường đi chùa cầu an, cầu may, hay cúng sao giải hạn… vào ngày này.
Ngoài ra, rằm Tháng Giêng còn được gọi Tết Thượng Nguyên (bên cạnh tên gọi Tết Nguyên Tiêu), lý do là vì đây là tháng bắt đầu cho những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Theo phong tục, trước khi xuống đồng họ thường làm lễ để tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Thực tế, theo lưu truyền, Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ quan trọng cuối cùng trong chuỗi sự kiện liên quan đến Tết Nguyên đán và nhiều người cũng cho rằng, phải qua rằm tháng Giêng thì mới thực sự hết Tết.
Ý nghĩa rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt
Trong tâm thức người Việt, ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) quan trọng chẳng kém gì ngày Tết Nguyên đán. Diễn giải ý nghĩa của cụm từ Tết Nguyên tiêu chính là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “Nguyên” nghĩa là thứ nhất và “Tiêu” nghĩa là đêm. Đây chính là một trong những ngày lễ quan trọng nhất với người theo đạo Phật, cũng là một ngày ngày lễ đặc biệt với tất cả người dân Việt nói chung.
Vào ngày lễ này, hầu hết các gia đình trên mỗi vùng miền Tổ quốc thường làm mâm cúng rằm. Tuy mỗi nơi có những phong tục tập quán khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, thần, Phật.
Trong ngày rằm tháng Giêng, không chỉ riêng Phật tử mà những người dân bình thường cũng đi đến các chùa hoặc đền miếu, di tích lịch sử đều cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Trước đây, vào ngày 15/1 âm lịch, nơi đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng rằm. Mặc dù, ngày nay có sự thay đổi ít nhiều nhưng những giá trị về tâm linh, nhân văn mà ngày lễ này đem lại là rất lớn, bởi nó giúp con người thêm vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Xem thêm:
Nên cúng Rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa?
10 lưu ý quan trọng khi tham gia lễ hội, du xuân đầu năm
Nét đẹp văn hóa lễ chùa dịp Tết của người Việt
Rằm tháng Giêng cúng gì?
Năm nay (năm 2024), ngày rằm tháng Giêng rơi vào thứ Bảy, ngày 24/2 dương lịch. Vào ngày lễ này các gia đình thường sẽ chuẩn bị 2 lễ: cúng Phật và cúng gia tiên. Tuy nhiên, cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà bạn chuẩn bị phù hợp, miễn thành tâm là được.
Thông thường, mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay gồm có: hương, hoa, quả tươi, đèn (nến), xôi, chè trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn chè trôi nước ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi điều trong năm mới đều được hanh thông, trôi chảy. Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết.
Tùy vào mỗi gia đình, mâm cỗ chay có thể từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ăn chay cũng là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Mâm lễ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món. Cụ thể:
- 4 bát gồm: bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc.
- 6 đĩa thức ăn gồm: thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm.
- Đồ lễ khác gồm: Hương, hoa, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, thuốc lá…
Trong ngày lễ rằm tháng Giêng ngoài việc cúng lễ tại nhà. Bạn cũng có thể đến chùa lễ Phật để cầu an, cầu may mắn và sức khỏe trong năm mới.
Ý nghĩa các món ăn trong mâm đồ cúng rằm tháng Giêng
Dù thời xưa hay nay, với người dân Việt Nam chuẩn bị mâm cỗ truyền thống cúng rằm tháng Giêng là rất quan trọng. Trong mâm cỗ cúng của mỗi gia đình các món ăn có thể ít hay nhiều, nhưng một số món ăn nhất định phải có bởi nó ẩn chứa những ý nghĩa tinh thần đặc biệt:
- Gà luộc: Đây là món ăn quan trọng nhất trong mâm lễ cúng rằm tháng Giêng. Gà luộc chín có sắc vàng tươi, căng bóng, mang ý nghĩa của sự may mắn, tiền tài và sức khỏe.
- Chân giò: Việc cúng món chân giò trong rằm tháng Giêng được hiểu là mong muốn cho một năm mới được đầy đủ, sung túc hơn.
- Xôi gấc: Ý nghĩa của đĩa xôi gấc trong mâm đồ cúng rằm tháng Giêng chính là may mắn và ấm no cho gia đình trong năm mới.
- Bánh trôi (chè trôi nước): Trong mâm cúng rằm thường có chè trôi nước vì nó thể hiện mong muốn mọi việc trong năm mới được hanh thông, thuận lợi.
- Bánh chưng (miền Nam thường dùng bánh tét): Ý nghĩa của món ăn này chính là lời cầu vạn sự trong năm mới sẽ được vuông tròn.
Xem thêm:
Những điều kiêng kỵ theo phong tục dân gian để cả năm may mắn, bình an
Tổng hợp những lời chúc ngày rằm hay và ý nghĩa nhất
‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ - hiểu lời ca dao xưa của cha ông sao cho đúng?
Nên cúng rằm tháng giêng vào ngày 14 hay 15?
Theo phong tục xưa, cúng rằm tháng Giêng nên thực hiện vào ngày chính Rằm (tức ngày 15/1 âm lịch) là tốt nhất. Lý do là vì đây là thời điểm trăng tròn sáng nhất trong năm mới, phúc khí dồi dào. Khi thành tâm cầu khấn mọi việc sẽ được thuận lợi, bình an, may mắn.
Nếu không thể cúng ngay ngày chính Rằm thì gia chủ có thể cúng vào ngày 14 âm lịch. Đây cũng được cho là ngày đẹp để tiến hành cúng khấn.
Theo các chuyên gia phong thủy, gia chủ chỉ nên cúng rằm tháng Giêng vào đúng 2 ngày 14 hoặc 15/1 âm lịch. Gia chủ không nên cúng rằm tháng Giêng vào những ngày khác, vừa không được ngày vừa lại dễ mất linh.
Năm nay, ngày rằm tháng Giêng rơi vào thứ Bảy (24/2) và ngày 14/1 âm lịch nhằm ngày thứ Sáu (23/2) nên các gia đình sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị lễ cúng thật chu đáo
Cúng rằm tháng Giêng vào giờ nào?
Lễ cúng rằm tháng Giêng thường được thực hiện vào ngày chính rằm, tuy nhiên, tùy vào công việc và thời gian, các gia đình có thể cúng trước 1 ngày (tức ngày 14 tháng Giêng).
Nếu thực hiện nghi thức cúng rằm vào ngày chính rằm 15 tháng Giêng âm lịch, thì đây là những thời điểm cúng rằm tốt nhất:
- Giờ Đinh Mão (từ 5 giờ đến 7 giờ)
- Giờ Canh Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ)
- Giờ Nhâm Thân (từ 15 giờ đến 17 giờ)
- Giờ Quý Dậu (từ 17 giờ đến 19 giờ)
Nếu thực hiện nghi thức cúng rằm tháng Giêng vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, thì gia đình có thể chọn một trong những khung giờ sau:
- Giờ Bính Thìn (từ 7 giờ đến 9 giờ)
- Giờ Mậu Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ)
- Giờ Kỷ Mùi (từ 13 giờ 15 giờ)
- Giờ Nhâm Tuất (từ 19 giờ đến 21 giờ)
Trên đây là những thời điểm tốt nhất để thực hiện nghi thức cúng rằm tháng Giêng năm 2024. Nếu công việc bận rộn các gìa đình có thể cúng rằm vào bất cứ thời gian nào thuận tiện, từ thời điểm sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19 giờ ngày 15/1 âm lịch.
Mẫu văn khấn cúng rằm tháng Giêng
Trong lễ cúng rằm tháng Giêng, ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tươm tất thì gia chủ cũng cần chuẩn bị bài văn khấn cúng rằm để nguyện cầu một năm bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm no.
Có rất nhiều mẫu văn khấn cúng rằm được lưu truyền trong dân gian, dưới đây là mẫu bài cúng rằm tháng Giêng theo văn khấn cổ truyền mà bạn có thể tham khảo.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Kính lễ Hoàng thiên Hậu thổ chư vị quan thổ công, thổ địa, thần linh chùa đất, chư vị ngũ phương thần long mạch, chư vị Đẳng thần Tôn thần bản xứ.
Hôm nay ngày..........tháng..........năm..........Tín chủ con là..........tuổi..........ngụ tại địa điểm..........
Hôm nay ngày lành tháng tốt, thành tâm tu thiết hương hoa, đăng trà, quả thực, phù tửu, lễ mặn, lòng thành, kính dâng bày ra trước án.Kính xin chư vị thần linh, gia ân soi xét cho con được..........
Tín chủ cung thỉnh Kim liên đương cai thái tuế chí đức tôn thần. Ngài bản canh thành hoàng chư vị đại vương. Ngài định phúc Táo quân, chư vị thần linh địa chúa long mạch, các vị thần linh cai quản ở trong khu vực này.
Cúi xin: Giáng lâm trước án hiến hưởng, phẩm vật lễ nghi bất túc, ngài chứng giám lòng thành, đại xá cho gia đình chúng con được phép.......... Âm phù dương trợ, sở nguyện tòng tâm, độ cho chúng con được may mắn thuận lợi, vô hạn vô ách chủ, (thợ được bình an vô sự) cửa nhà được thành công tốt đẹp, gia đình an lạc, hạnh phúc, con cháu hiền hòa, hiếu thảo, lộc tài vượng tiến, công danh thành đạt.
Dãi tấm lòng thành chứng minh chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
Xem thêm:
Những lễ hội lớn trong tháng 2 và tháng 3 Âm lịch tại ba miền
Tổng hợp các ngày lễ, sự kiện và lịch nghỉ lễ, Tết năm 2024
Năm nhuận là gì? Tại sao lại có năm nhuận, ngày nhuận?
Những điều kiêng kỵ cần biết vào ngày rằm tháng Giêng
Lễ cúng rằm tháng Giêng được xem là nét văn hóa tâm linh của người Việt cho nên sự trang nghiêm, thành kính khi bày lễ thắp hương, khấn vái trong ngày này đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, trong ngày rằm và ngay cả thời điểm diễn ra nghi lễ cúng rằm cũng có một số điều kiêng kỵ mà các gia đình cần ghi nhớ.
Những điều kiêng kỵ cần tránh khi cúng rằm tháng Giêng
Trọng tâm của lễ rằm tháng Giêng chính là cầu mong một năm mới an lành, khỏe mạnh, thịnh vượng, ấm no,… Cho nên một số điều kiêng kỵ dưới đây các gia đình cần lưu ý không phạm phải khi tiến hành nghi thức cúng.
- Không sử dụng hoa giả, trái cây giả: Các loại hoa, trái cây giả tuy có màu sắc bắt mắt, không lo hỏng, héo nhưng chúng không phù hợp để lên bàn thờ. Vì thờ cúng phải tịnh tâm, nhà có sao dâng vậy và chỉ nên dùng hoa tươi, trái cây tươi để cúng thần Phật, tổ tiên.
- Không dùng đồ chay giả mặn: Nên dùng đồ thuần chay trong mâm lễ chay. Trong kinh Lăng nghiêm có câu “Nếu nhân địa không chân thật, thì quả sẽ cong”. Việc bày biện mâm cúng chay nhưng vẫn chọn những loại thực phẩm “giả thịt” giống như đang lừa dối bề trên. Cho nên, đã cúng đồ chay tốt nhất nên dùng thực phẩm thuần chay.
- Không đốt nhiều vàng mã: Cúng rằm tháng Giêng quan trọng làm tấm lòng thành. Đạo Phật không cổ xúy việc đốt vàng mã, vì vừa gây lãng phí lại ô nhiễm môi trường.
- Không dịch bát hương: Khi lau dọn bàn thờ, lưu ý không được xê dịch bát hương.
- Không cúng thủ lợn: Trong mâm lễ vật cúng Tết Nguyên tiêu thường sẽ có thịt lợn, tuy nhiên gia đình không nên dùng thủ lợn hoặc nguyên con lợn quay để cúng. Vật lễ này biểu hiện cho sự sát sinh đầu năm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến gia đình trong năm.
- Không dùng tiền giả, tiền bất chính: Nếu gia đình có thói quen đặt tiền lên bàn thờ khi cúng rằm tháng Giêng để cầu xin tài lộc, may mắn thì nên dùng tiền thật do chính sức mình làm ra. Tuyệt đối không dùng tiền giả hay tiền có nguồn gốc bất chính.
Những điều kiêng kỵ trong ngày rằm tháng Giêng
Riêng với ngày rằm tháng Giêng cũng sẽ có một số kiêng kỵ nhất định mà các đình nên tránh làm để năm mới thêm bình an và may mắn.
- Không nên có tiếng khóc trong nhà: Người xưa cho rằng, trong ngày rằm tháng Giêng nên kiêng việc để trẻ con khóc, bởi tiếng khóc của trẻ sẽ làm gia đình không may mắn, dễ xảy ra một số việc không như ý.
- Không đến những nơi nhiều âm khí: Trong ngày rằm tháng Giêng các gia đình nên hạn chế việc đi đến những nơi được cho là có âm khí nặng như mồ mả, nghĩa trang/nghĩa địa, nơi hoang vu… nhất là những người có sức khỏe yếu kém vì sẽ dễ bị vận xui đeo bám.
- Không mặc quần áo màu trắng, đen: Những bộ quần áo có màu sắc thuần trắng và đen thường liên quan đến người đang mất, vì thế, trong ngày rằm tháng Giêng nên kiêng mặc.
- Tránh làm vỡ đồ đạc: Nên tránh đánh rơi, làm vỡ, làm hỏng đồ đạc trong nhà vào ngày lễ này, bởi điều đó đồng nghĩa với việc năm mới tài phúc bị hao tổn, mọi việc không thuận như ý muốn.
- Cân nhắc cho mượn tiền: Người xưa quan niệm, trong ngày rằm tháng Giêng việc cho mượn tiền cũng giống như là bạn đang trao tài chính của mình cho người khác.
Gợi ý những loài hoa, quả phù hợp cúng rằm tháng Giêng
Người Việt coi trọng ngày rằm tháng Giêng, vì thế ngoài việc chuẩn bị các lễ vật, mâm cúng… thì các loại hoa quả bày trí trên bàn thờ ngày Tết Nguyên Tiêu cũng được chú ý.
Những loại hoa phù hợp cúng rằm tháng Giêng
Có thể nói, hoa là một trong những lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ Tết Nguyên tiêu. Dưới đây là những loại hoa phù hợp cúng ngày rằm tháng Giêng:
- Hoa cúc: Loài hoa biểu tượng cho sự trường thọ may mắn, tài lộc và thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên.
- Hoa lay ơn: Loài hoa biểu tượng cho vẻ đẹp thanh khiết, trang nhã rất thích hợp để dâng lên bàn thờ.
- Hoa đồng tiền: Loài hoa ngụ ý cho sự may mắn và tài lộc.
- Hoa cát tường: Loài hoa vượng tài này giúp mang đến phúc lộc, may mắn cho gia đình.
- Hoa mẫu đơn: Loài hoa ngụ ý cho một cuộc sống phú quý cát tường, công thành danh toại.
- Hoa sen: Loài hoa biểu tượng cho sự trong trắng, thuần khiết, giúp gia đình có một năm bình an và may mắn.
Rằm tháng Giêng nên cúng quả gì?
Trong ngày rằm tháng Giêng, các loại quả, trái cây dùng để trưng bày trên bàn thờ là không thể thiếu. Người xưa quan niệm, nên chọn Ngũ quả (5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành) để cúng vào ngày rằm tháng Giêng hoặc có thể chọn trái cây, quả cúng rằm tháng Giêng theo Ngũ phúc (giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên).
Dưới đây là một số loại trái mang ý nghĩa tốt đẹp có thể chọn trưng bày trong ngày cúng rằm tháng Giêng:
- Quả cam: Có màu sắc bắt mắt, hình dáng cân đối, mùi thơm dễ chịu. Trong phong thủy, cam còn xem là loại quả mang lại may mắn và thành công.
- Quả chuối: Mang ý nghĩa thu hút, hứng lấy may mắn. Trong dân gian, người dân hay trưng quả chuối xanh trên bàn thờ với ý nghĩa là “tránh xui”.
- Quả táo: Loại quả mang ý nghĩa cho sự hòa hợp, bình yên, tốt lành.
- Quả dứa (khóm/thơm): Có mùi thơm dịu nhẹ, thanh tao, hình dáng và màu sắc đẹp. Trong phong thủy, quả dứa còn tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng và may mắn.
- Quả xoài: Với màu sắc vàng ươm, thơm ngát, trưng quả xoài trên bàn thờ với ý nghĩa cầu mong mọi việc tiêu xài luôn dư dả, không lo cái ăn, cái mặc, gia đình luôn sung túc, đủ đầy và tài lộc dồi dào.
Một số loại quả khác như: quả bưởi, quả hồng, quả quýt, quả dừa, mãng cầu, đu đủ… cũng có thể dùng để dâng cúng thần linh, tổ tiên. Bên cạnh đó, một số loại quả, trái cây không nên chọn để trưng bày trong ngày cúng rằm tháng Giêng đó là: quả giả, quả chín nẫu hoặc các loại quả có mùi quá nồng như sầu riêng, mít,..
Phong tục cúng rằm tháng Giêng đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi đây là dịp để các gia đình thể hiện tấm lòng hiếu kính đến thần Phật, tổ tiên, ông bà và cầu mong cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.