Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tại sao không nên đánh răng khi đang tắm?

(VOH) - Các chuyên gia khuyến cáo, thói quen đánh răng trong lúc tắm không chỉ làm giảm tuổi thọ của bàn chải, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn.

Parul Dua Makkar, bác sĩ nha khoa, nhà sáng lập phòng khám PDM Family Dental, cho biết, khi bàn chải tiếp xúc với nhiệt độ cao và độ ẩm sẽ khiến đầu lông suy yếu, hoạt động kém hiệu quả. Do đó, ông khuyến nghị mọi người nên cất bàn chải đánh răng ở nơi khô mát, tránh vòi hoa sen và nhà vệ sinh, bởi vi khuẩn thích sinh sôi trong điều kiện ẩm ướt. 

Theo Arun Narang, nha sĩ thẩm mỹ phục hồi giám đốc Phòng khám Arun Narang, việc đánh răng khi tắm sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo có hại.

Ông Narang giải thích: “Đánh răng khi tắm có thể tiết kiệm thời gian, song nó khiến bạn tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn. Bồn tắm và vòi hoa sen thường là nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển vì chúng ẩm ướt, ấm áp và có nhiều người dùng chung”.

Việc đặt bàn chải đánh răng gần khu vực tắm cũng làm tăng nguy cơ truyền vi khuẩn đã phát triển trên những bề mặt lên lông bàn chải, sau đó truyền sang người trong những lần đánh răng tiếp theo. 

Tiến sĩ Payal Bhalla, Giám đốc lâm sàng của Quest Dental ở Ipswich, cảnh báo về "sự chuyển giao vi trùng từ các bộ phận khác trên cơ thể sang miệng" khi đánh răng trong lúc tắm.

Tại sao không nên đánh răng khi đang tắm? 1
Tiến sĩ Payal Bhalla kêu gọi mọi người đánh răng trên bồn rửa thay vì dưới vòi hoa sen - Ảnh: Daily Mail

Dùng nước súc miệng khi tắm cũng không giúp loại bỏ bớt lượng vi khuẩn. 

Fatima Khan, bác sĩ nha khoa tại Altus Dental ở Houston, cho biết, một số loại nước súc miệng được quảng cáo là tiêu diệt 99,9% vi khuẩn trong miệng, bao gồm những loại có thể gây lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có nghiên cứu dài hạn nào thực sự chứng minh được điều này.

Ngoài ra, các sản phẩm làm sạch răng chứa dầu khi rơi ra sàn có thể gây trượt chân và ngã. Khác với sữa tắm hay dầu gội, cặn dầu này đôi khi vẫn còn lưu lại trong nhà vệ sinh sau khi mọi người đã tắm xong. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo, nên thay bàn chải từ 3 đến 4 tháng một lần, sớm hơn nếu thấy phần đầu lông bị mòn. Đồng thời, CDC khuyến nghị đánh răng kỹ lưỡng mỗi ngày 2 lần và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám tích tụ. 

Bình luận