Tiêu điểm: Nhân Humanity

80 đơn vị bàn giải pháp chiến lược tạo thuận lợi thương mại của Cục Hải quan TPHCM

(VOH) - Theo nghiên cứu, nếu giảm được 1 ngày trong khâu làm thủ tục hải quan có thể tiết kiệm 1,6 tỷ đô la Mỹ cho xã hội.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ cho Hải quan TPHCM sẽ giúp cải thiện hiệu suất làm việc của ngành hải quan và tạo thuận lợi  thương mại - thông tin được nêu tại hội thảo “Cục Hải quan TPHCM với mục tiêu, giải pháp chiến lược tạo thuận lợi thương mại” diễn ra vào sáng 28/2 do Cục Hải quan TPHCM tổ chức.

80 đơn vị bàn giải pháp chiến lược tạo thuận lợi thương mại của Cục Hải quan TPHCM

Hội thảo “Cục Hải quan TPHCM với mục tiêu, giải pháp chiến lược tạo thuận lợi thương mại” diễn ra sáng 28/2. 

Hiện Tân Cảng Sài Gòn chiếm đến 51% sản lượng container thông qua trên toàn quốc. Riêng TPHCM năm 2019, sản lượng thông qua các cơ sở cảng chiếm đến 95% thị phần của TPHCM. 

Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Cảng Cát Lái có hai tuyến luồng: Lòng Tàu và Xoài Rạp, tuy điều kiện thuận lợi, nhưng vẫn có hạn chế về điều kiện tàu chạy đêm trên luồng. Thời gian tàu phải chờ đợi rút ngắn xuống thì hàng hóa được thông thương nhanh, khách hàng không phải chờ đợi lâu. Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tàu nới thời gian chạy đêm trên luồng, tăng số chuyến tàu tiếp nhận qua cảng”.

Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại TP Hồ Chí Minh. Cảng Cát Lái phục vụ trung bình từ 13-14.000 containers/ngày. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng hơn 10%, nhưng thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hóa, sự phát triển về cơ sở hạ tầng kho, bãi, cảng và giao thông chưa đáp ứng được sự tăng trưởng của hoạt động ngoại thương. Sự bất cập này dẫn đến các hiện tượng ùn tắc container tại các địa điểm kho, bãi, cảng và các tuyến đường giao thông trong giờ hành chính.

Thực hiện đề án của Chính Phủ về phát triển hệ thống Logistics, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực nghiên cứu, áp dụng nhiều chương trình, giải pháp cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp chân chính sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Từ năm 2018-2019, Cục Hải quan TPHCM phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn xây dựng đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Đối tượng của Đề án là 200 doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, kim ngạch lớn, nộp thuế cao tại Cục Hải quan TPHCM.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ cho Hải quan TP.HCM là một phần của chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho 6 tỉnh thuộc địa bàn dự án, Tổng cục Hải quan Việt Nam và các cơ quan chủ quản khác. Đây là mô hình hợp tác hiệu quả, cải thiện hiệu suất làm việc của ngành hải quan và tạo thuận lợi  thương mại.

Ông Trần Thoang, Phó Giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại cho biết: “Mục tiêu của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại là hướng tới, thúc đẩy thông quan hàng hóa nhanh chóng hơn, dựa trên cách tiếp cận rủi ro, đây là cách tiếp cận mà tổ chức thương mại thế giới khuyến khích các nước thành viên áp dụng, đặc biệt là trong việc thông quan hàng hóa.

Đối với Việt Nam, có thêm yêu cầu là đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu trong đó có thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Như vậy, dự án TFP hướng tới hai nội dung: hỗ trợ cho Tổng Cục Hải quan và các đối tác để thực hiện hiệp định tốt hơn, hướng tới cách tiếp cận quản lý rủi ro và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành”.

Theo tính toán, khi áp dụng dự án này, đơn vị kinh doanh cảng tăng dung lượng chất xếp hàng hoá, giảm tỷ lệ đảo chuyển, tối ưu được năng lực khai thác phương tiện, giảm thời gian quay vòng, nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác kho bãi trong bối cảnh quỹ đất của thành phố ngày càng eo hẹp.

Về phía doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí cơ hội, giảm thời gian đi lại, giảm thời gian quay vòng hàng tồn kho, giảm chi phí quản lý, kiểm soát theo dõi được toàn bộ thông tin của lô hàng một cách dễ dàng, minh bạch, được ưu tiên hỗ trợ 24/7…Về lợi ích kinh tế xã hội: Giảm ùn tắc hàng hoá, giảm hao phí xã hội, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với lợi ích về chi phí, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM phân tích: “Giảm chi phí lưu kho thì khoảng 50.000 container/ngày; Giảm về chi phí đảo chuyển công khoảng 300 container/lần, giảm về chi phí thủ tục thủ công bốc xếp khoảng 1 triệu đồng/container/lần; giảm chi phí nâng hạ container khoảng 400 ngàn. Riêng khoản này, nếu chỉ thực hiện thí điểm 200 doanh nghiệp này trong 2020 thì sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp vài ngàn tỷ đồng và trong tương lai gần, số này có thể hơn”.

Di dời bãi đậu xe buýt trong Công viên Gia Định trước 30/3 - Theo kế hoạch, mặt bằng này sẽ được bàn giao cho Sở Xây dựng để thực hiện quản lý tổng thể công viên.
5 cảng thủy nội địa của khu cảng Trường Thọ hoạt động đến hết năm 2022 - UBND TPHCM chấp thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về tăng quy mô diện tích 54,2ha và công suất khai thác đến năm 2020 là 2,177 triệu Teu của cụm cảng trung chuyển ICD mới.
Bình luận