Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bài toán khó cho chung cư cũ: Sống chung với “tử thần” - Phần 1

(VOH) - Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TPHCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận: 1, 3, 4, 5, 10.

Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư có nguy cơ cao sụp đổ. Kế hoạch đến năm 2020, TPHCM phải giải quyết 50% trong số 474 cũ đó. Tuy nhiên, cho đến nay kế hoạch này hầu như chưa thực hiện được khiến cho cuộc sống của nhiều người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Vừa qua đường dây nóng Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tiếp nhận ý kiến phản ánh của bà Trần Thị Hồng, sinh sống tại chung cư Nguyễn Kim, Quận 10, bày tỏ sự lo ngại khi chung cư ngày cũ nát mà hệ thống phòng cháy chữa cháy chỗ hư hỏng, chỗ mục nát.

“Tôi ở chung cư này đã lâu mà phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ, vệ sinh chưa tốt, đề nghị phải đặt bình chữa cháy, phòng chống cháy nổ cho người dân an tâm” – bà Hồng cho biết.

Theo kết quả kiểm định chất lượng của thành phố đối với 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 cho thấy có 115 chung cư nguy hiểm cấp C, 15 chung cư nguy hiểm cấp D, không thể sử dụng bình thường đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Quận 10 có nhiều chung cư cũ xuống cấp như Ấn Quang, Ngô Gia Tự, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Kim….đe dọa cuộc sống của những người dân đang trú ngụ ở đây. Mỗi ngày chung cư này phải oằn mình gánh toàn bộ cấu trúc xuống cấp trong khi vẫn còn đến hàng trăm hộ dân đang sinh sống.

Ảnh minh họa: TTO 

Chỉ bằng mắt thường cũng có thể quan sát mức độ hư hỏng của chung cư này như tường nứt, hệ thống bê tông và trụ chống đỡ bị mục nát, cầu thang sắt bị thủng, không ít lần người dân nơi đây phải chứng kiến những sự cố như sập tường, cửa song sắt rơi văng ra ngoài.

Thêm vào đó, hệ thống tiêu thoát nước thải đã bị quá tải và tắc nghẽn khiến nước thải từ đường ống ở các tầng lầu không thoát được chảy tràn lan, gây ô nhiễm nặng.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy sống tại chung cư Lý Thường Kiệt cho biết thu dọn đồ đạc và đưa mẹ già đến nơi khác sống tạm.

“Chung cư tường thấm, hư hỏng, cuộc sống bất tiện phải đưa mẹ về quận 12 ở nhà em gái, mong rằng chung cư cải thiện tốt hơn”, chị Thủy nói.

Tại chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4, cư dân ở đây phải sống trong cảnh xập xệ, không an toàn. Phía trong chung cư nhiều mảng tường cũ nát đã bị bong tróc, rỉ nước, rêu bám thành mảng loang lổ, trên các trần tường, dọc hành lang dây điện, dây cáp chằng chịt khắp nơi. Cột nhà thì nứt, trụ sắt đỡ thì bị hoen gỉ, bờ tường, trần nhà bị nứt toác cả vệt dài được người dân trám tạm bợ bằng xi măng.

Nhà anh Bùi Đức Hòa sau nhiều lần sửa chữa đến nay không thể sửa được nữa vì trần nhà đã bị bong tróc vữa nhìn rõ từng lõi thép bên trong. Anh cho biết đã từng có đoàn tới khảo sát nhưng rồi không thấy trở lại, bao nhiêu năm gia đình nơm nớp lo sợ bởi không biết khối bê tông sẽ đổ sập lúc nào. 

“Lúc trước nhà tự bỏ tiền ra đắp vá bây giờ sắt lòi ra lúc lắc bây giờ không dám sửa, có lần rớt mém trúng rồi, đà nứt có thể rớt bất kì lúc nào” – anh Hòa kể. 

Gia đình chị Thái Nguyệt Linh sống ở chung cư này đã hơn 50 năm. Vừa rồi bất ngờ một mảng trần bê tông to đổ ầm xuống cũng may không trúng ai, bây giờ cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi khi cả gia đình chị đùm túm nhau sống ở đây từ cha mẹ, đến vợ chồng chị, vợ chồng em gái cùng các con các cháu. Biết là chung cư xập xệ nhưng không có tiền đổi nhà, chị Thái Nguyệt Linh chỉ mong mỏi nơi đây xây lại để tái định cư. 

Tương tự, chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, là một trong những chung cư cũ nát, xuống cấp với dây điện chằng chịt như tổ nhện, áo quần treo ngổn ngang, bên trong cầu thang tối tăm, sứt mẻ, tường bị thấm nước mốc xanh. Đáng ngại hơn là chung cư đang từng ngày rệu rã, chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền lo lắng trần nhà lở bê tông rơi rụng từng tảng xuống, lỡ nó trúng người thì thương tích không tránh khỏi. 

“Nhiều khi cũng nguy hiểm vì gạch, bê tông nặng 2-3 kí rớt xuống thế nào cũng bị thương nhưng tại vì đi làm ở đây quen rồi nên ở lại”, Chị Tuyền cho biết.

Nguy hiểm như vậy nhưng tại sao người dân vẫn cố bám trụ ở đây? và nhiều câu trả lời dẫu biết rằng rất muốn thay đổi nhưng vì tài chính eo hẹp, chung cư cũng là nơi làm ăn kiếm sống mà nhiều người đành chấp nhận.

Chị Trần Thị Kim Phượng bán mứt và hàng ăn sáng ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật cho biết những người làm ăn có tiền thì đã bán nhà đi nơi khác, chỉ còn người nghèo bám trụ gắn bó với việc buôn bán, lao động chân tay ở đây.

Tình trạng xuống cấp của các chung cư hiện nay đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thậm chí đe dọa đến tính mạng của rất nhiều người dân, nên mong muốn là chung cư sớm được cải tạo, xây mới để họ có một cuộc sống an toàn hơn. 

Còn tiếp...

Bình luận