Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM đang cần một cơ chế phù hợp

(VOH) - Đó là ý kiến của Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch tại hội thảo khoa học định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do UBND Thành phố tổ chức ngày 5/5.

Gần 90 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho hội thảo lần này. Đây là Hội thảo quan trọng để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương về những giải pháp lớn phát triển Thành phố, là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự hội thảo.

Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 45 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng lên.

Giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) tăng bình quân gần 7,8 %, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế Thành phố.

Lãnh đạo Thành phố chủ trì hội thảo khoa học định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Lãnh đạo Thành phố chủ trì hội thảo khoa học định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, và đến năm 2025, Thành phố phấn đặt mục tiêu là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 đô la Mỹ.

Đến năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 đô la Mỹ.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 đô la Mỹ, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.  

Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, Chủ tịch UBND Thành phố- Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Cần phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; Tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển Thành phố trong bối cảnh mới và cụ thể các mô hình, giải pháp này thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Với tham luận “Làm gì để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống “Năng động, sáng tạo” và giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước”, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn lại quá trình phát triển của TP.HCM trong hơn 45 năm qua, vai trò, vị trí của Thành phố đã nâng lên theo từng thời kỳ. Thành phố vẫn đóng góp hơn 20% GDP và 30% ngân sách nhưng một số ngành giảm dần về tỉ trọng, trong đó có tỉ trọng về dịch vụ thị trường tài chính đã giảm so với kỳ vọng.

Trước biến động toàn cầu, theo Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, khả năng "chống chịu" của TPHCM đang yếu dần. Bất cập lớn nhất của TP.HCM theo ông vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng còn chậm.

Do vậy, theo Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, trong những năm tới, TPHCM cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá như cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Bất cập lớn nhất của TPHCM vẫn là hạ tầng giao thông kết nối vùng còn quá chậm trễ 2
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế trình bày tham luận “Làm gì để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống “Năng động, sáng tạo” và giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước”. 

Mặt khác, theo ông Trần Du Lịch, cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của Thành phố; Động lực tăng trưởng kinh tế cần dựa vào 5 trụ cột gồm: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, sản phẩm công nghệ; Dịch vụ cảng và Logistics; Giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ gắn với trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển thị trường tài chính gắn với xây dựng trung tâm tài chính và thương mại Thủ Thiêm; Thị trường bất động sản gắn với quá trình đô thị hóa.

“TP không cần cơ chế đặc thù, chỉ cần cơ chế phù hợp. Hiện nay theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, điều 11, 12, 13 có 3 cơ chế rất rõ, thế nào là phân cấp, phân quyền, thế nào là ủy quyền, nhưng trong các Luật chuyên ngành thì không có cơ chế này. Do đó căn cứ nội dung điều 11, 12, 13 tổ chức chính quyền địa phương, rà những Luật chuyên ngành liên quan chế định: những gì phân quyền, phân cấp, chế định trong từng lĩnh vực để biết rằng trong khoản đó, Thành phố hoàn toàn năng động, chịu trách nhiệm về vấn đề đó” - Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần chọn chiến lược để phát triển, quyết liệt chuyển sang hướng dịch vụ. Theo ông, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục định vị phát triển công nghiệp thì mãi mãi sẽ đánh mất cơ hội của mình trong 10-20 năm nữa.

Trong 10 năm nữa, động lực của Thành phố phải là năng suất, phải phát triển doanh nghiệp tư nhân nội địa, tăng cường năng lực cạnh tranh nội địa, mở cửa thị trường, quốc tế; khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng; Hình thành một số bộ ngành then chốt của cả nước, trong đó hình thành Trung tâm tài chính quốc gia đặt tại TPHCM. Lãnh đạo Thành phố cần có tầm nhìn xa, đột phá ngay trong tư duy của mình. Ông cho rằng, cơ sở hạ tầng sắp tới sẽ là cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, truyền thông, cơ sở bảo mật…

“Chúng ta cần bức phá ngay trong tư duy của mình. Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt, không có một quốc gia nào phát triển nhờ ngoại lực cả, nếu không tận dụng được điều này, thì khác nào biếu "miếng bánh" này cho các nhà đầu tư nước ngoài” - Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khẳng định. 

Bình luận