Chờ...

Công nhân lao động tiêu biểu KCX-KCN TPHCM về Mỹ Hoà Hưng viếng Bác Tôn Đức Thắng

(VOH) - Công đoàn các KCX-KCN TPHCM đã tổ chức chuyến về nguồn tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2022), Công đoàn các KCX-KCN TPHCM đã tổ chức chuyến về nguồn tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vào ngày 26/8.

Tham gia cùng đoàn có 65 cán bộ công đoàn cơ sở, các cá nhân đạt Giải thưởng 28/7 và các kỹ sư, công nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022. 

Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Các thành viên trong đoàn đại biểu dành phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

viếng Bác Tôn Đức Thắng
Cán bộ công đoàn và công nhân ưu tú dâng hương Bác Tôn

Sau khi dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các thành viên trong đoàn đã tham quan và thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu, viếng đền thờ và tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của người công nhân ưu tú, người thợ cả của giai cấp công nhân Việt Nam.

Hiện nay, khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành địa điểm thân thuộc không chỉ với người dân quê hương An Giang, mà còn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến Khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta không chỉ được tham quan cảnh đẹp yên bình của cù lao sông nước, mà còn được ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Bác Tôn. Qua đó, càng thêm kính trọng, biết ơn sâu sắc, quyết tâm học tập, làm theo Bác Tôn, một tấm gương đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Với những cống hiến to lớn đó, Bác Tôn là người đầu tiên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất; cùng nhiều giải thưởng quan trọng như Huân Chương Lênin, giải thưởng Lênin vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, cùng nhiều phần thưởng danh hiệu cao quý khác.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có tổng diện tích hơn 3.000m2 tọa lạc trên cù lao Ông Hổ được công nhận Di tích Lịch sử năm 1984 và Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.  

Dịp này, cán bộ Công đoàn và công nhân ưu tú đã tham gia tọa đàm “Nâng cao chất lượng Công đoàn cơ sở” và “Nâng cao chất lượng Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Để nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, các đại biểu cho biết cán bộ Công đoàn phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng thương lượng và tranh thủ sự ủng hộ của ban giám đốc. Bên cạnh đó, để Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” có hiệu quả, Công đoàn phải lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp uy tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho công nhân.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) trong một gia đình trung nông. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, các phong trào yêu nước thất bại và bị đàn áp khốc liệt, không khí chính trị ấy tác động rất sâu sắc đến nhận thức của Bác từ thưở thiếu niên. Bên cạnh đó, quê hương An Giang - giàu nghĩa tình và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm đã góp phần bồi đắp những phẩm chất cao quý trong tính cách và tâm hồn Tôn Đức Thắng - vĩ đại trong cái bình thường, bình thường một cách vĩ đại.

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn Đức Thắng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhân dân và bạn bè quốc tế.