Tiêu điểm: Nhân Humanity

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Cần có chính sách giúp DN tái tạo việc làm

(VOH) - PGS.TS Trần Hùng Sơn cho biết, việc tái tạo việc làm rất quan trọng trong tiến trình phục hồi kinh tế, nếu không tái tạo việc phục hồi sau khủng hoảng rất khó khăn.

Theo kết quả nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM giai đoạn Covid-19 lần 4" do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp cũng như đề xuất đến Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù cho TPHCM để kiến tạo động lực cho thành phố nhằm giúp quá trình hồi phục kinh tế diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan tỏa kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Cần có chính sách giúp DN tái tạo việc làm
Ảnh minh hoạ. 

Cụ thể, nhóm đề xuất giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ và chuyển giao nguồn vốn này cho thành phố sử dụng với trách nhiệm trả lãi vay. Từ năm ngân sách 2022, kiến nghị trung ương cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố từ 18% lên 23% và nâng trần nợ công của thành phố để có thể phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, giúp thành phố có đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp (DN) bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách. Quy mô gói hỗ trợ của thành phố khoảng 22.300 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP của thành phố.

Để tiếp tục chuyển tải ý kiến đề xuất này, trong chuyên mục “Diễn đàn TPHCM: Thích ứng và phát triển”, xin mời quý bạn đọc đến với ý kiến của PGS-TS Trần Hùng Sơn - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TPHCM. 

Nghe nội dung ý kiến tại đây 

"Với TPHCM, chúng tôi nhận thấy một trong những điều kiện quan trọng giúp phục hồi kinh tế TP, phục hồi hoạt động doanh nghiệp đó là chính sách nhắm đến hỗ trợ giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây. Khi dịch xảy ra, một số lực lượng lao động trở về quê hoặc một số lao động tạm thời nghỉ việc, nghỉ không lương. Do đó, chúng ta cần phải có chính sách giúp DN tái tạo việc làm. Bởi vì việc tái tạo việc làm rất quan trọng trong tiến trình phục hồi kinh tế, nếu không tái tạo việc phục hồi sau khủng hoảng rất khó khăn.

Ngoài ra, cần có thêm chính sách khác như mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất hiện nay để áp dụng cho DN ngành công nghiệp truyền thống, logistics, cùng với đó là xây dựng chương trình kích thích phát triển kinh tế số với quy mô, theo dự tính quy mô là 1.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chúng ta cần phải cải thiện điều kiện đời sống công nhân. Khi dịch bệnh xảy ra, công nhân là đối tượng chịu tổn thất nặng nề. Do đó, TP phải tính đến việc hỗ trợ quỹ đất, xã hội hoá chi phí đền bù giải tỏa, xây dựng hình thành căn hộ cho công nhân ở KCX, KCN, KCNC, cải thiện đời sống công nhân, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh và thu hút lao động ngoại tỉnh nhất là lao động có tay nghề sớm quay lại TPHCM.

Một điểm nữa, chúng ta thấy được sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt cung cấp hàng hoá cơ bản. Do đó, TPHCM sớm nâng cấp hạ tầng chợ đầu mối để gia tăng tỷ trọng giao dịch trực tuyến theo mô hình sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến.

Đó là những đề xuất biện pháp đặt ra để chúng ta sớm phục hồi kinh tế. Nhóm nghiên cứu cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến vai trò điều phối chính sách phục hồi kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như an sinh xã hội, y tế, phòng chống dịch, tiêm vắc-xin Covid-19, lao động-việc làm, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo,...để đạt được sự thống nhất xuyên suốt, cả trong nhận thức và thực thi từ chính quyền cấp phường/xã, quận huyện cho đến cấp thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tôi muốn nhấn mạnh kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy kiến tạo các động lực phục hồi kinh tế cần cả sự phối hợp theo chiều ngang (giữa các Bộ/Ngành) và sự phối hợp theo chiều dọc (giữa các cấp chính quyền) mới có thể đảm bảo việc đem lại hiệu quả."

PGS.TS Trần Hùng Sơn - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng ĐH quốc gia TPHCM  

TPHCM đang từng bước điều chỉnh và phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình bình thường mới vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, sẽ có nhiều vấn đề mới nảy sinh, cần có những giải pháp cụ thể, sáng tạo.

Với mong muốn đồng hành cùng TP HCM, chuyên mục Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển sẽ chuyển tải đến quý thính giả ý kiến đóng góp từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia, cán bộ quản lý cấp cơ sở và cả người dân xung quanh những giải pháp thích ứng với tình hình mới, khôi phục kinh tế và phát triển TPHCM.

Bình luận