Tại chương trình, 50 gia đình người khuyết tật tiêu biểu đã được tôn vinh, khen thưởng. Mỗi gia đình có hoàn cảnh và khiếm khuyết khác khác nhau nhưng điểm chung là ý chí, nghị lực, bản lĩnh vươn qua khó khăn, phấn đấu hội nhập với cộng đồng xã hội, tìm mọi cách để mưu sinh trong cuộc sống. Các cặp vợ chồng tuy không trọn vẹn về hình thể nhưng họ đã vượt lên chính mình để xây dựng mái ấm hạnh phúc, nuôi con cái mạnh khỏe, trưởng thành. Đồng hành với những mảnh đời kém may mắn, trong những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ cội TP.HCM không ngừng nỗ lực, không chỉ chăm lo, bảo trợ về vật chất mà còn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc cho những người khuyết tật.

Bà Nguyên Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi TPHCM cho biết: Có những gia đình khuyết tật nhưng họ có sự đồng cảm, đồng cảnh ngộ với nhau để vượt qua khó khăn phấn đấu vươn lên, có những người còn tự mình thành lập những cơ sở làm các sản phẩm thủ công, cơ sở mát xa và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác… Vì vậy, hôm nay chương trình nhằm tôn vinh sự yêu thương và niềm hạnh phúc của các gia đình những người khuyết tật về hình thể nhưng không khiếm khuyết về mặt tâm hồn. “Đối với những người bình thường, chúng ta xây dựng được gia đình hạnh phúc là một điều đã rất khó khăn. Đối với người khuyết tật thì trái tim của họ lại càng khao khát yêu thương nhiều hơn, vì vậy việc xây dựng gia đình với người khuyết tật lại càng khó khăn hơn. Họ phải vượt qua sự khiếm khuyết về hình thể của mình và đặc biệt là những rào cản, định kiến xã hội khi đến với nhau. Đặc biệt là những người lành lặn tìm đến với người khuyết tật và chúng tôi thấy được mình cần phải quan tâm nhiều hơn đối với gia đình của người khuyết tật bời vì họ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc như những người bình thường”, bà Ngọc cho biết thêm.
Là đôi vợ chồng khiếm thị được tuyên dương lần này, anh Cao Thanh Trường và chị Phan Thị Phương Dung, hiện đang ở trọ tại Phường 9, Quận 10 cho biết, trong 11 năm qua, tháng nào hai vợ chồng anh chị cũng đưa con đến bệnh viện để thăm khám, giữ lại chút ánh sáng ít ỏi khi cả hai bé vừa sinh ra đã được bác sĩ chẩn đoán bị cườm nước bẩm sinh. Trước đây, các bé còn nhìn thấy lờ mờ, nhưng vào khoảng thời gian thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch nên không thể đưa các con đi khám mắt định kỳ và bệnh trở nên nên nghiêm trọng hơn, bắt buộc phải phẫu thuật mắt. Hiện tại, các con của anh Trường và chị Dung không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, phải vào trường mù để học chữ nổi. Không chỉ vất vả với công việc mưu sinh, hai vợ chồng còn cố gắng giúp con vượt qua những khó khăn khi cuộc sống bị xáo trộn và chăm sóc người mẹ già 72 tuổi đang bị tai biến phải nằm một chỗ.
Chia sẻ bí quyết làm sao để vun vén hạnh phúc gia đình trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn đó, anh Trường cho biết: Buổi sáng trước khi đi làm, anh tranh thủ đưa con đi học, rồi ghé chợ mua đồ ăn. Vợ ở nhà chuẩn bị thức ăn để ở nhà cho mẹ và các con, phần còn lại mang theo cho bữa ăn trưa của hai vợ chồng. Cuộc sống gia đình sẽ có những lúc không được như ý, không chỉ riêng gia đình khuyết tật. Nhẫn nhịn nhau là đức tính quý giá nhất để thu xếp và vun đắp hạnh phúc: “Vợ chồng đi làm cả ngày, tối về đến nhà cũng hơn 10 giờ đêm, chỉ biết động viên nhau cố gắng và vượt qua khó khăn, động viên nhau cố gắng làm việc để nuôi hai bé”.
Còn chị Phan Thị Phương Dung, vợ anh Trường cho biết, hai vợ chồng quen biết nhau từ khi còn học chung trường Nguyễn Đình Chiểu cho nên cũng hiểu nhau đôi chút, sau này lớn lên thì kết hôn nên cũng dễ thông cảm cho nhau hơn. “Lúc sinh bé gặp nhiều khó khăn, bởi vì hai vợ chồng đều không nhìn thấy nên mình cố gắng vượt qua, chia sẻ với nhau mọi việc trong nhà mà không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, cứ ai rảnh thì làm thôi. Ví dụ mỗi ngày anh đưa con đi học xong sẽ ghé chợ mua đồ ăn, còn em ở nhà dọn dẹp nhà cửa, anh đi chợ về nhà mình sẽ sơ chế, cắt gọt và anh sẽ là người đứng bếp nấu”, chị Dung kể.

Dip này, nhằm động viên và lan tỏa yêu thương trong xây dựng gia đình hạnh phúc dù vầng trăng có khuyết nhưng vẫn sáng đẹp, dịu êm, ấm áp. Hội bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi TPHCM tặng 50 phần quà cho 50 gia đình khuyết tật để động viên họ tiếp tục yêu thương, chia sẻ và cùng nhau vượt qua khó khăn.