Chờ...

HCDC: 54% học sinh TPHCM mắc tật khúc xạ

VOH - Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tỷ lệ mắc tật khúc xạ của học sinh thành phố là 54%. Trong đó, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở nam là 55% và nữ là 53%.

Nghiên cứu được thực hiện trên 1.230 học sinh tại 8 trường, từ mầm non đến trung học phổ thông.

Một khảo sát khác vào năm học 2019-2020, cũng do HCDC thực hiện, ghi nhận tỷ lệ học sinh mắc khúc xạ là hơn 27%. Như vậy, số học sinh mắc tật về mắt tại TPHCM tăng nhanh theo thời gian.

can-thi-190824
Nghiên cứu mới cho thấy, 54% học sinh TPHCM mắc tật khúc xạ

Tật khúc xạ - gồm cận, viễn, loạn thị... có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, dân văn phòng, người tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Ước tính, Việt Nam có 5 triệu trẻ mắc các tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm đa số.

Cận thị khiến trẻ chỉ nhìn rõ ở cự ly gần, không nhìn rõ những mục tiêu ở xa. Tỷ lệ trẻ mắc cận thị những năm gần đây tăng nhiều, gặp ở trẻ thành phố nhiều hơn trẻ sống tại quê. Tổ chức Y tế Thế giới WHO dự đoán 50% dân số toàn cầu có khả năng bị cận thị vào năm 2050.

Tại các bệnh viện chuyên khoa mắt, đa số phụ huynh đưa trẻ đến khám cận thị cho biết con tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều, ít hoạt động ngoài trời, nhìn quá gần khi học bài.

Trẻ bị cận thị cần đeo kính phù hợp với độ để duy trì thị lực. Nếu không đeo kính, hay bỏ kính, trẻ rất dễ tăng độ do ở tuổi này, trẻ phải học nhiều, nhìn gần nhiều, ít có điều kiện tham gia các hoạt động ngoài trời. Sau khi đủ 18 tuổi, có thể xem xét phẫu thuật để mắt trở về bình thường.

Hiện, các phương pháp phẫu thuật ngày càng tiến bộ, máy móc hiện đại, thời gian chiếu laser trên mắt ngày càng ngắn, giúp việc điều trị tật khúc xạ ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp tất cả bệnh nhân, chống chỉ định trong một số trường hợp như giác mạc quá mỏng, độ cận quá cao, có bệnh lý khác...

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nhắc nhở trẻ ngồi học đúng tư thế, không cúi nhìn quá gần. Đảm bảo ánh sáng khi học tập, không đọc sách báo trong bóng tối. Hạn chế xem tivi, chơi điện tử nhiều giờ.

Luân phiên giữa các hoạt động nhìn xa và nhìn gần, không nên nhìn gần liên tục trong thời gian dài mà cần để mắt có thời gian nghỉ ngơi. Tăng cường các hoạt động ngoài trời.

Trẻ bị cận thị cần đeo kính phù hợp, tái khám định kỳ để điều chỉnh kính đúng độ. Ăn uống đủ chất, lưu ý bổ sung các loại thực phẩm có chứa vitamin A, carotene...