Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kiều bào và những ý kiến tâm huyết để phục hồi kinh tế TPHCM

(VOH) - TPHCM cần đẩy mạnh đưa các sản phẩm của người Việt ra thị trường thế giới, kết nối doanh nhân trong và ngoài nước để giúp doanh nghiệp vượt qua thời gian ngừng trệ do dịch Covid-19.

Đồng thời cần quy hoạch đô thị để ứng phó tình huống dịch bệnh…

Đó là những chia sẻ, hiến kế được bà con Kiều bào, doanh nhân người Việt ở các nước gửi đến Ủy ban nhân dân TPHCM, với mong muốn đóng góp cho quá trình phục hồi, phát triển của Thành phố sau làn sóng thứ tư của dịch Covid-19.

kieu-bao-va-nhung-y-kien-tam-huyet-de-phuc-hoi-kinh-te-tphcm-voh.com.vn-anh1
Các kiều bào đóng góp ý kiến tại Tọa đàm gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu được tổ chức với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Sức sống mới sau dịch bệnh COVID-19: Định hướng và phát triển dưới góc nhìn kinh tế” ngày 11/2. (Ảnh: TTO)

Thực tế câu chuyện về xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt ra thế giới thời gian qua là câu chuyện không mới, và đã có nhiều doanh nghiệp thành công, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu không thành công khiến doanh nghiệp trở nên khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nhiều nước vẫn còn phức tạp, các quy định còn khắt khe.

Theo ông Steve Bùi - người Việt Nam ở Nhật - Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta, thì nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp xuất khẩu hàng ra thế giới đang làm theo phong trào là chủ yếu: “Chúng ta cần hiểu về luật pháp quốc tế, có những rào cản pháp lý từ các nước khi xuất khẩu vào, có nhiều thứ chúng ta không để ý. Chúng tôi có làm cổng thông tin nhịp cầu Việt Nhật và Vinamilk lần đầu tiên xuất khẩu vào Nhật. Các doanh nghiệp lớn dẫn đường vào thị trường chúng ta có uy tín cao và đi qua nhiều khâu kiểm duyệt”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa sản phẩm truyền thống của Việt Nam ra thị trường thế giới, và hiện tại sản phẩm nước mắm truyền thống hương vị Việt Nam của ông Lê Bá Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Foods đã được người Mỹ và nhiều nước khu vực châu Mỹ ưa chuộng hàng đầu trên sàn thương mại điện tử Amazon. Ông Linh cho rằng, để có kết quả như hôm nay là cả một quá trình vất vả nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và các quy định của các nước sở tại. Tuy nhiên với trách nhiệm là người con của TPHCM, với mong muốn đóng góp 1 phần công sức của mình để các doanh nghiệp Thành phố cũng như cả nước vượt qua khó khăn, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế thì ông sẵn sàng chia sẻ tất cả những kinh nghiệm cho các doanh nghiệp có nhu cầu. “Chúng ta phải đoàn kết hơn nữa để đưa hàng ra thế giới, muốn như thế phải tìm hiểu kĩ thị trường, các hiệp định đã ký kết. Các công ty muốn xuất khẩu mà chưa biết gặp ai thì có thể liên hệ chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ngay”, ông Linh nói.

Theo Giáo sư Đặng Lương Mô, người Việt Nam ở Nhật Bản, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần này, giống như như vụ khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 làm biến dạng có tính “bất khả đảo nghịch” đối với mô hình kinh doanh, để đưa tới một bối cảnh bình thường mới. Do đó, công tác phục hồi và phát triển kinh tế của TPHCM sau Covid-19 không chỉ là hàn gắn những chỗ bị sứt mẻ, bị thâm thủng vì đại dịch, nó phải có tính xây dựng một xã hội mới, xã hội số có tính cách phát triển, sáng tạo. “Tập trung chuyển đổi số, xã hội số, cần phá bỏ hàng rào dọc hay bức tường dọc ngăn cách giữa các bộ ngành. Cần bắt tay vào xây dựng và vận hành ngay, công tác này không chỉ có con người, phần mềm, nó đòi hỏi rất nhiều công cụ phần cứng, vật liệu cứng”, Giáo sư Đặng Lương Mô gợi ý.

Cùng với tập trung các giải pháp trước mắt để giúp kinh tế phục hồi nhanh, thì trong tương lai gần TPHCM cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quy hoạch đô thị, ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống y tế với quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết vùng cùng với các chính sách chăm lo cho công nhân, người lao động để tránh biến động và thiếu hụt nguồn lực khi có những biến cố xảy ra. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Kiều bào Mỹ chia sẻ về mô hình đô thị sức khỏe: “Mô hình đô thị sức khỏe tức là một cụm bệnh viện đa khoa kết hợp với trường đại học và là trung tâm ứng phó dịch và được kết nối mạng toàn cầu. Đây là trung tâm thông tin khi ứng phó dịch thì mọi thứ sẽ vào nguồn chung”.

Trong năm 2021, TPHCM đã vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp sức từ bên ngoài, trong đó có Kiều bào ở các nước. Thành phố cũng đã đón nhận những tình cảm, vật chất và ý kiến chia sẻ, hiến kế tâm huyết. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, những ý kiến chia sẻ, đóng góp, hiến kế phù hợp của bà con Kiều bào, doanh nhân người Việt, các chuyên gia sẽ được xem xét áp dụng ngay để góp phần giúp kinh tế Thành phố phục hồi và tăng trưởng trở lại với mục tiêu đề ra từ 6%-6,5% trong năm 2022. Ông  Võ Văn Hoan cho biết thêm: “Quan điểm của thành phố là việc nào khó mà đã có cơ sở thì triển khai ngay, còn việc nào mới qua chưa có thực tiễn thì đi tìm trí thức, Kiều bào, nơi đó có nhiều người đã có kinh nghiệm, trải qua thực tiễn. Những vấn đề nào lạ lẫm chưa có cơ quan tham mưu thì chúng tôi cũng sẽ mời Kiều bào tham mưu hiến kế”.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, với TPHCM đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, cũng như hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế. Năm 2021, dù khó khăn do dịch bệnh nhưng kiều hối về thành phố vẫn tăng 9% so với năm trước, ước đạt 6,6 tỷ đô la Mỹ. Những hiến kế, đóng góp của các doanh nhân, trí thức Kiều bào được kỳ vọng là một trong những nguồn lực quan trọng, then chốt giúp TPHCM phục hồi nhanh, vượt qua đại dịch Covid-19 và vững bước phát triển trong thời gian tới.

Bình luận