Chờ...

Mai vàng đem lại vàng cho nông dân Bình Lợi

(VOH) - Gần 10 năm nay, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM, trở thành nơi cung cấp hoa mai lớn nhất nhì trong thành phố, thu hút nhiều thương lái từ các tỉnh, thành khác đến thu mua.

Từ 1 xã nông thôn nghèo, giờ đây, những người nông dân ở xã Bình Lợi có thể tự hào thoát nghèo nhờ cây mai vàng đem lại vàng thiệt cho họ.

Mai vàng đem lại vàng cho nông dân Bình Lợi 1
Hợp tác xã Hoa Mai Vàng Bình Lợi 

Ông  Hồ Quốc Trường - nông dân xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) bắt đầu trồng mai chậu từ năm 2004. Nhưng lúc đó ông trồng mai như cây kiểng. Đến năm 2016, khi vùng đất này thất thu với mô hình trồng cây mía, cây riềng, ông Trường dành toàn bộ đất nhà để trồng 2.000 gốc mai đất và 300 cây mai chậu.

Năm 2017, nhận thấy cây mai hợp thổ nhưỡng Bình Lợi và đem lại lợi nhuận kinh tế cao nên xã kêu gọi nông dân chuyển đổi mô hình cây trồng. Ông Trường giải thích sự thuận lợi khi trồng mai ở vùng đất phèn: “Đất xã Bình Lợi là đất phèn, khi mai ra rễ đâm xuống chừng 3 tấc đất thì không có rễ cọc, mà mọc lan ra như rễ chùm. Nhờ vậy, khi bứng cây mai lên thì nó không bị rụng hay héo bông. Ngoài ra, cây mai trồng ở đây phát triển nhanh, mới 3 năm đã cao 30cm và có thể bán được. Nhờ vậy, chi phí đầu tư thấp và nhanh có lợi nhuận hơn cây mai ở vùng khác”.

Mai vàng đem lại vàng cho nông dân Bình Lợi 2
Công nhân đang lặt lá cho cây mai.

Ông Lê Hữu Thiện - chủ HTX Hoa mai vàng Bình Lợi cho biết thêm: “Trồng mai nhàn hơn trồng cây mía. 01 ha cây mai chỉ cần thuê một nhân công chăm, thời gian làm việc nhàn nhã, còn trồng 1 ha mía khi thu hoạch cần mấy chục nhân công và phải làm tiến độ gấp rút để cây mía không trổ cờ” .

Nhờ những ưu điểm đó, những nông dân như ông Trường, ông Thiện có thu nhập khá, lợi nhuận từ vườn mai từ 600 triệu/năm.

Cây mai không chỉ giúp họ, đi theo đó là tạo việc làm cho người dân địa phương.

Vườn mai của anh Bùi Ngọc Đức thuê người chăm cây mai theo giờ. Vào những ngày gần Tết âm lịch, số người đến lặt lá mai nhiều hơn. Tiền lương trả theo giờ, 30.000 đồng/giờ công. Nếu lao động chăm chỉ, một người lặt lá mai có thể thu nhập 300.000 đồng/ngày.

Anh Bùi Ngọc Đức bắt đầu trồng mai từ năm 2014. Vì đam mê trồng cây kiểng mà anh bỏ nghề chính của mình là 1 kĩ sư điện. Hiện nay, anh sở hữu 3 ha đất trồng mai và 1.000 chậu mai kiểng. Chỉ tính riêng lợi nhuận cho thuê mai kiểng chưng Tết ở các công ty, anh Đức “bỏ túi” từ 200-300 triệu đồng/năm.

Với lợi thế tuổi trẻ năng động và không ngại học hỏi, anh Đức ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm như lập trang website bán mai và kể cả bán trên các trang mạng xã hội khác như zalo, facebook.

Anh còn mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ tưới tự động vào sản xuất. Theo đó, anh sử dụng công nghệ vi sinh trong chăm sóc cây mai và bổ sung hữu cơ cải tạo đất, hạn chế ảnh hưởng cho môi trường, giảm chi phí. Anh Đức cho biết.: “Tôi cũng xây dựng 1 ứng dụng theo dõi quy trình trồng mai nhằm quản lý chi phí đầu tư, theo dõi quá trình chăm sóc mai. Có thể ví von nó như quyển nhật ký để theo dõi quá trình kinh doanh".

Theo tính toán của các chủ vườn, trung bình 1 cây mai bán sỉ 300.000 đồng, cây mai lớn có thể bán được giá lên tới 10-20 triệu. Đầu tư 1ha đất trồng mai chừng 3 năm, vốn ước khoảng 400 triệu đồng, khi bán ra thu được 1 tỷ đồng là chuyện bình thường. Thị trường tiêu thụ cây mai của xã Bình Lợi  có 45% là các tỉnh miền Tây, phần còn lại bán ra toàn quốc.

Ông Hồ Quốc Trường chia sẻ: “Nếu trồng cây mai luân canh, gồm có cây mai trồng lâu năm và cây mai mới thì lợi nhuận cao hơn, có thể lấy lại vốn trong năm đầu tiên. Như vườn mai nhà tôi, đến năm thứ 3 thu hoạch thì tôi bán ít, để dành cây lớn lại, sang năm thứ 5 thì cây to ra, tôi bán giá hơn 10 triệu/cây. Có những cây mai “khủng” có thể bán được giá lên tới 30 triệu/cây.”

Nhận thấy lợi ích từ cây mai, xã Bình Lợi thành lập Hợp tác xã Hoa mai vàng Bình Lợi được thành lập. Hiện nay, diện tích trồng mai chiếm 500 ha đất, với khoảng 200 hộ kinh doanh mai kiểng.

HTX được Sở NN&PTNT Tp.HCM hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Mai vàng Bình Lợi” thông qua việc chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ để gia tăng giá trị, tập huấn kỹ thuật trồng, tạo dáng và chăm sóc trên chậu, hỗ trợ áp dụng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn chuyên canh.

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi cho biết thêm: “Trước đây, xã Bình Lợi là xã nghèo nhất huyện Bình Chánh. Nhiều nông dân đi đầu trong chuyển đổi giống cây trồng nông nghiệp từ cây mía, cây riềng sang cây mai kiểng. Đời sống của người dân từ đó tương đối ổn định nhờ thu nhập từ cây mai vàng. Hiện nay, đang có đề án du lịch sinh thái từ ba xã Bình Lợi, Tân Nhựt và Lê Minh Xuân. Nếu đề án suôn sẻ và đi vào thực tế sớm, sẽ càng làm khởi sắc kinh tế cho địa phương”

Năm 2021, xã Bình Lợi có 4 gương Nông dân tiêu biểu  được tuyên dương cấp thành phố. Trong đó, 3 gương nông dân tiêu biểu là những nông dân gắn bó với nghề trồng mai là ông Hồ Quốc Trường, Bùi Ngọc Đức và Lê Hữu Thiện. Họ đều là những nông dân đạt chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp Trung ương.

Mai vàng đem lại vàng cho nông dân Bình Lợi 3

Vườn mai của anh Lê Hữu Thiện 

Vườn mai của ông Lê Hữu Thiện được cho lớn nhất xã, chiếm diện tích 12ha, trồng 80.000 cây mai. Vào mùa mai Tết, cả vườn mai của ông ngập tràn sắc vàng soi bóng xuống dòng kênh, đường làng nhộn nhịp tiếng xe cộ của thương lái tới mua.

Người nông dân vui vì mai vàng đã thực sự đem tới vàng thiệt cho họ. Không ngủ quên trên thành công, lo ngại thị trường cung nhiều hơn cầu khi có quá nhiều vùng trồng cây mai, họ nghĩ cách sinh kế lâu dài. Ông Thiện hồ hởi cho biết: “Đa phần chúng tôi bán mai hình cây thông (chưa qua tạo dáng). Trong xu hướng cạnh tranh thị trường mai, HTX đang học hỏi cách uốn mai kiểng để nâng cao giá trị cây mai. Đồng thời học kĩ thuật chăm sóc nâng chất lượng hoa lâu tàn, để hoa nở đẹp từ 5-7 ngày”.

Từ khi quy hoạch thành vùng trồng mai kiểng, địa phương hỗ trợ cho nông dân chính sách vay vốn ưu đãi và tổ chức các lớp tập huấn trồng mai, các khóa tham quan học tập kĩ thuật trồng mai ở các tỉnh khác. Ông Nguyễn Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết phương hướng: “Những năm gần đây, nhờ những hộ nông dân tiên tiến, mạnh dạn tiên phong đầu tư cây mai và cá cảnh và đạt thành công nên những hộ nông dân khác học tập và làm theo. Nếu tương lai, khu vực này có lên đô thị thì sẽ hướng bà con ứng dụng kĩ thuật cao vào làm nông”

Trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch của TP.HCM, làng mai vàng Bình Lợi có thể coi là một điểm đến thú vị, đầy tiềm năng nếu được đầu tư và khai thác đúng mực. Cây mai cũng là một loại cây kiểng thuần Việt, mang tính dân tộc. Ngoài ra, từ mai khi đọc trại sang giọng miền Nam còn có ý nghĩa như “mai” mắn.

Tại xã Bình Lợi, có ưu điểm đất trồng mai còn rộng, bao quanh là những kênh nước trong xanh. Hình ảnh hàng ngàn cây mai vàng thật khoe sắc rực rỡ vào mùa Xuân có thể sẽ là điểm du ngoạn tuyệt vời cho người dân của TP nói riêng và cả nước nói chung.

Đường mai Bình Lợi

Để tôn vinh cây mai vàng đã giúp bà con nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh thoát nghèo, vài năm gần đây, chính quyền địa phương đã tổ chức Đường Mai, cũng là dịp để giới thiệu sản phẩm mai vàng Bình Lợi cho người dân chiêm ngưỡng và có thể mua hàng tại chỗ. Năm nay, từ ngày 25/1 - 30/1/2022 (tức 23 tháng Chạp đến ngày 28 tháng Chạp năm Tân Sửu), UBND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) tiếp tục tổ chức Đường Mai Bình Lợi 2022.

Ban tổ chức cho biết, sẽ bố trí những chậu mai to, nở nhiều hoa và nụ ở khu trưng bày chính, còn dọc bờ kênh sẽ dành cho người dân đem mai ra bán. Năm nay, có thêm 3 xã tham gia Đường Mai là xã Tân Nhựt, xã Phạm Văn Hai, xã Lê Minh Xuân, đem đến những đặc sản địa phương như: cây xương rồng, dừa kiểng, bưởi da xanh, gian hàng cá koi, mô hình trồng rau thủy canh, gian hàng trái cây khắc chữ.