Chờ...

Nguyên nhân tai nạn giao thông phần lớn do lỗi chủ quan của người đi đường

VOH - Chiều 9/7, Báo Tuổi trẻ tổ chức tọa đàm kết hợp tập huấn 'Lái xe an toàn: Vì mình - vì gia đình' có sự tham gia của lãnh đạo nhiều ban ngành cùng các chuyên gia.

Theo Công an TPHCM, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TPHCM xảy ra 808 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm), làm chết 223 người, bị thương 539 người. So với cùng kỳ 2023, giảm 12 vụ (1%), giảm 127 người chết (-36%), tăng 83 người bị thương (18%)).

Ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, số liệu phân tích cho thấy, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông phần lớn đến từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như lưu thông như không chú ý quan sát, vi phạm giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia nhưng vẫn lái xe dẫn đến tai nạn giao thông.

“Do đó, khi lưu thông trên đường nếu như mỗi cá nhân đều ý thức chấp hành tốt pháp luật về giao thông và tuân thủ các quy tắc lái xe an toàn thì sẽ tạo nên một cộng đồng lái xe an toàn” - ông Lợi chia sẻ.

angt-100724-1
CSGT TPHCM kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Lê Bằng

Trong khi điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế, đất chật, người đông, phương tiện ngày càng gia tăng thì vấn đề tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tại TPHCM sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi, thống kê các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM thời gian qua, Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó Phòng CSGT - Công an TPHCM cũng nhận thấy, những hành vi vi phạm giao thông phổ biến là: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; lưu thông ngược chiều, chạy quá tốc độ quy định, lưu thông đường cấm, chạy xe không đúng phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn.

Đáng lưu ý, tai nạn giao thông liên quan vi phạm nồng độ cồn chiếm gần 15% các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông trên địa bàn TP.

Người lớn cần làm gương khi tham gia giao thông

Ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: hiện TPHCM đang quản lý khoảng 9,5 triệu phương tiện (trong đó có 8,5 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe ô tô). Chưa kể hàng ngày có khoảng 1,5 -2 triệu phương tiện từ các tỉnh xung quanh đi qua thành phố. Và mỗi năm, phương tiện lại tăng thêm trung bình 6.5%.

Trong khi đó, khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ diện tích mặt đường ở TPHCM tăng thêm chỉ khoảng 1%, tức trung bình 0,2%/năm. Và chủ yếu tăng thêm ở ngoại thành, vùng ven. Dẫn đến cơ sở hạ tầng quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện.

Theo ông An, nguồn vốn để đầu tư phát triển cho giao thông TPHCM đến năm 2030 rất lớn, cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, đến nay chỉ có khoảng 100.000 tỷ, tức khoảng 1/10. Do đó, TPHCM phải tính toán đến các giải pháp khác như điều chỉnh luồng tuyến, giải pháp kỹ thuật để phân luồng giao thông, hạn chế xe khách, xe tải lớn đi xuyên tâm, tập trung phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị...

angt-100724
Tọa đàm kết hợp tập huấn 'Lái xe an toàn: Vì mình - vì gia đình' có sự tham gia của lãnh đạo nhiều ban ngành cùng các chuyên gia - Ảnh: Lê Bằng

Ông An nhấn mạnh việc phải xây dựng ý thức của người tham gia giao thông: “Người lớn chúng ta phải làm gương để các em, các cháu học theo. Chúng ta không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, leo lề thì làm sao dạy các cháu ý thức? Ý thức phải được hình thành qua thời gian, được giáo dục, ứng xử từ trong gia đình”.

Theo ông An, không chỉ có giáo dục, tuyên truyền mà cần phải có chế tài. Luật, Nghị định xử lý vi phạm hiện nay rất cao nhưng “cũng hành vi vi phạm đó ở Việt Nam người ta không sợ nhưng khi sang Singapore thì không dám vi phạm. Vì chế tài họ nặng, đánh thẳng vào túi tiền”.

Thượng tá Đoàn Văn Quới cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT TPHCM thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, nắm tình hình, bố trí lực lượng phù hợp tại các khu vực, tuyến đường phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

“Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, chạy không đúng làn đường, phần đường… để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM” - Thượng tá Đoàn Văn Quới cho hay.