Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phân loại rác tại nguồn – giải pháp căn cơ giảm ô nhiễm môi trường

(VOH) - “Phân loại rác tại nguồn – giải pháp căn cơ giảm ô nhiễm môi trường” đây là vấn đề chính, mà chương trình Phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” bàn thảo sâu, trong buổi sáng nay 1/7.

Mỗi ngày, TPHCM có khoảng hơn 8.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải này được xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đang tìm nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phân loại rác tại nguồn để tái chế, làm phân bón và thu hồi năng lượng để phát điện,... Việc làm tưởng chừng như đơn giản này lại đang gặp khó khăn khi chưa trở thành thói quen của người dân thành phố.

Các khách mời tại phòng thu chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” về chủ đề "Phân loại rác tại nguồn" sáng 1/7. Ảnh: Hoàng Lĩnh

Có người biết thực hiện, nhưng cũng có người không biết nhiều và xem việc phân loại rác tại nguồn là khó, không quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hương bộc bạch: "Tôi xài ít nên tôi không có phân loại, thường rác là để chung hết. Chủ yếu là cái nào bán ve chai được thì để dành ra bán, vậy thôi".

Với bà Bùi Diệu Tâm thì khác, việc phân loại rác tại nguồn đã được gia đình và bà con khu phố thực hiện trong một thời gian, đến nay, người dân nơi đây đã quen dần với phân loại rác. Tuy nhiên, để việc phân loại được thực hiện tốt hơn, bà Tâm cho rằng: "Việc phân loại rác ở hẻm 25, nơi bà sinh sống là được tiến hành thực hiện từ năm 2013, cho đến nay bà con ở đây đã quen. Giá như, chúng ta có kinh phí, làm được 2 loại bịch rác phát cho dân là khác màu, là loại tự hoại thì sẽ rất đỡ cho anh em công nhân xử lý rác".

Vừa qua, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tiếp tục mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ở những khu vực công cộng như trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị từ năm 2017 trở đi. Là đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm, Quận 3 đã có những chương trình hành động cụ thể. Ông Quách Kiều Long - Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 3 cho biết thêm: "Lúc đầu thì có phát thùng rác, nhưng điều kiện nội thành như quận 3, gia đình không thể để 2 thùng rác được thì chúng tôi có phát bao ni lông để phân loại rõ. Sau khi người dân hình thành thói quen rồi thì mình không phát nữa mà thực hiện tiết kiệm, tái sử dụng, tận dụng lại bao ni lông mà người dân đi chợ, đi siêu thị và mình chỉ dán nhãn để người dân biết phân loại: rác thực phẩm, rác còn lại… trên cơ sở đó lực lượng thu gom sẽ lấy rác".

Với đặc thù là địa bàn rộng, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, xe lấy rác không thể đến thu gom được, huyện Bình Chánh cũng đã có những giải pháp uyển chuyển. Ông Phạm Văn Hùng - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh chia sẻ: "Xã Bình Chánh có khoảng 420 hộ đang làm điểm để xử lý, chôn lắp tại chổ để làm phân compos cho người dân tự sử dụng lại, cũng có những trường hợp tự tiêu hủy, chúng tôi cũng hướng dẫn cho người dân cách tự hủy để làm sao đảm bảo vệ sinh môi trường chung và người dân cũng thực hiện cam kết với chính quyền về vấn đề này".

Công nhân thu gom rác thực phẩm (đã phân loại) tại hẻm 25 Nguyễn BỈnh Khiêm, Q.1 - Ảnh: TTO

Với vai trò là ngành chức năng, chủ quản trong vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có những đề xuất, tham mưu, xây dựng các chương trình hành động cụ thể giúp người dân nâng cao nhận thức về việc phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh chương trình hỗ trợ, vận động, khuyến khích thì các biện pháp chế tài cũng được đặt ra. Tuy nhiên, cả hai hướng giải pháp đều có lộ trình từng bước, đồng hành cùng người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết cụ thể những phần việc phải làm ngay trong năm 2017: "Chúng tôi cũng xác định trong năm 2017, việc tuyên truyền cho người dân hiểu được phân loại rác tại nguồn đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với quận, huyện đã thực hiện thí điểm thì sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hợn nữa trên địa bàn của mình. Đối tượng ưu tiên triển khai sẽ tập trung vào các đơn vị có ban quản lý như là các công sở, trường học, bệnh viện… trên cơ sở đó sẽ làm nền tảng cho việc lan rộng ở các khu dân cư".

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TPHCM cho biết thêm: Với vai trò của mình, Ban Đô thị, HĐND TP đã có những chương trình, kế hoạch khảo sát, giám sát về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, trọng tâm là việc phân loại rác tại nguồn: "Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và sự phối hợp nhịp nhàn từ nhiều phía, chúng tôi hy vọng rằng, từ nay cho đến năm 2020 và những năm tiếp theo, công tác phân loại rác tại nguồn sẽ có những chuyển biến rõ nét hơn. Nhiệm vụ này không chỉ có ý nghĩa làm sạch đẹp hơn mơi trường thành phố mà còn tạo được vẻ mỹ quan đô thị".

Tin rằng, với quyết tâm của chính quyền thành phố, sự sâu sát của các ngành chức năng và chung tay của người dân, TPHCM sẽ ngày càng sạch đẹp, văn minh, phát triển.

Bình luận