Chờ...

Siết chặt hơn hoạt động của đội ngũ giao hàng trên địa bàn TPHCM

(VOH) - Các công ty quản lý shipper phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động theo hướng giảm ít nhất từ 10%, phải có thẻ đeo, dấu hiệu nhận diện...

Tối 25/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp trực tuyến các điểm cầu tại Thành ủy, UBND Thành phố, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, để quán triệt và triển khai chi tiết Chỉ thị 12 về kế hoạch của UBND Thành phố trong đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid -19.

Cùng dự có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong.  

Không ra khỏi nhà sau 18 giờ hàng ngày

Từ ngày 27/4 đến 25/7, TPHCM có 55.570 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố. Riêng trong 17 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ghi nhận 46.892 ca nhiễm. Như vậy trung bình mỗi ngày phát hiện 2.931 ca bệnh, các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu phong tỏa, khu cách ly.

Quang cảnh tại điểm cầu UBND Thành phố
Quang cảnh tại điểm cầu UBND Thành phố

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách từ chính người dân và việc kiểm soát của cơ quan chức năng “ngoài chặt trong lỏng”.

Dù rất cố gắng nhưng Thành phố vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và phải thực hiện kịch bản thứ 2. Kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, đây là điều mà thành phố không mong muốn.

Để kịch bản thứ ba không xảy ra, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình, thực hiện nghiêm người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; Tuyệt đối không được ra khỏi nhà sau 18 giờ, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh.

Lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý.

Lãnh đạo Thành phố nhấn mạnh: “Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu, kể cả cách chức”.

Giảm ít nhất từ 10% shipper hoạt động

Mặt khác, các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách được duy trì.

Các công ty quản lý shipper phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động đến mức tối thiểu theo hướng giảm ít nhất từ 10% so với ngày 22/7/2021 - ngày thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Shipper phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19 và chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, cụ thể, có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện… thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động và phải xuất trình thông tin cho cơ quan chức năng khi kiểm tra.

Công ty phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải, danh sách này sẽ được các cơ quan chức năng truy xuất khi kiểm tra. Riêng các đơn vị không quản lý bằng các ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…) thì phải thực hiện đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn, phạm vi hoạt động cũng chỉ trong địa bàn quận huyện cụ thể.

Đẩy mạnh test nhanh tại các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điểm nóng để quét nhanh bóc tách trường hợp nghi nhiễm và nhiễm ra khỏi cộng đồng. Nâng cao năng lực điều trị, áp dụng kết hợp cả đông và tây y; Huy động toàn bộ hệ thống các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia điều trị.

Tăng cường hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó Thành phố đã kêu gọi huy động đội ngũ y bác sỹ đã nghỉ hưu, lương y, các chức sắc tôn giáo, Hội Chữ thập đỏ tham gia phòng, chống dịch.

Để giảm thiểu ca bệnh chuyển nặng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu tất cả các cơ sở thu dung điều trị phải bố trí các giường bệnh cấp cứu ban đầu có đủ oxy để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn, phải đặt mục tiêu giảm tử vong lên trên hết, trước hết.

“Triển khai tổ chức tiêm vắc xin một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; Công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân; Mọi người dân đều bình đẳng về quyền lợi tiêm vắc-xin; Ngành y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn. Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân rộng các gian hàng 0 đồng, phiên chợ nghĩa tình... khi khó khăn người dân có thể liên hệ đường dây nóng qua tổng đài 1022 nhấn phím 2 hoặc đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ”, ông Phong nhấn mạnh.

Đảm bảo cung cấp hàng hóa, thiết yếu cần thiết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly; Không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về nguồn cung hàng hóa, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, đã tổ chức các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại Hóc Môn, Thủ Đức, các luồng hàng, xe vận chuyển hiện nay được thông thoáng. Trong thời gian tới, để hạn chế tối đa người dân ra đường, Thành phố đã họp bàn với Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải khoanh vùng, đối với những người dân tại khu vực phường nào thì sẽ được cung ứng nhu cầu thiết yếu tại khu vực phường đó.  

“Tôi đã chỉ đạo ngành công thương sẽ có địa điểm các cửa hàng tiện ích, tiện lợi trên địa bàn từng phường để tính toán, mở rộng phương thức đặt hàng online, đi chợ thay và sẽ tính toán cân đối để đưa hàng đến từng hộ gia đình hoặc các gia đình đi chợ, siêu thị, các cửa hàng tiện ích vào các khung giờ đặt trước", bà Phan Thị Thắng nói.   

Về công tác tiêm vắc xin trong đợt 5, Thành phố Hồ Chí Minh được cấp khoảng 930.000 liều vắc xin, trong đó có 4 loại vắc xin là AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một ít Sinopharm. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin: “Theo kế hoạch, các đối tượng số 1 là những người cao tuổi, những người có bệnh nền, những người thuộc diện chính sách yếu thế, tiếp theo là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, sau đó các đối tượng công nhân, logistics, vận tải…”