Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sơ cấp cứu tại nạn giao thông gồm những bước nào?

(VOH) - TPHCM hiện có thường trực đội sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa tại 24 quận, huyện; 319 tổ sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa phường, xã, thị trấn; 775 điểm sơ cấp cứu trong cộng đồng dân cư.

Sáng ngày 8/9, Trung tâm Huấn luyện Sơ cấp cứu và Phòng chống Thảm họa - Hội Chữ thập đỏ TPHCM tổ chức kỷ niệm Ngày sơ cấp cứu thế giới năm 2018 với chủ đề “Ứng phó sớm nhất khi xảy ra tai nạn giao thông”; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với nhau trong hoạt động sơ cấp cứu “Vì mọi người, ở mọi nơi”.

Tham gia sơ cấp cứu, các tình nguyện viên Chữ thập đỏ cần có những kiến thức, kỹ năng nhất định về sơ cấp cứu để bảo đảm hoạt động sơ cứu ban đầu an toàn, hiệu quả cho người bị nạn; an toàn cho người sơ cứu và những người khác có mặt tại hiện trường. Tổ chức và tình nguyện viên Chữ thập đỏ còn kết hợp hoạt động cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, các loại hình thiên tai, thảm họa do con người gây ra.

Thao diễn sơ cấp cứu “Ứng phó sớm nhất khi xảy ra tai nạn giao thông”.

Các bước sơ cứu tai nạn giao thông

Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra.

- Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.

- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

- Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.

- Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết: Chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, cần từ 2-3 người nhấc người bệnh lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.

TPHCM hiện có thường trực đội sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa tại 24 quận, huyện; 319 tổ sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa phường, xã, thị trấn; 775 điểm sơ cấp cứu trong cộng đồng dân cư. 

Dịp này, Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TPHCM tổ chức trao tặng 100 hộp thuốc sơ cấp cứu cho các đội sơ cấp cứu và các hộ dân với tổng trị giá 40 triệu đồng; tặng giấy khen cho đội sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa 24 quận, huyện và thao diễn sơ cấp cứu “Ứng phó sớm nhất khi xảy ra tai nạn giao thông”.

Bình luận