Chờ...

TPHCM dự kiến tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ trong 5 ngày

(VOH) - Dự kiến từ ngày 22/10, TPHCM sẽ tổ chức tiêm chủng vắc xin cho khoảng 780.000 trẻ em từ 12 - 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn.

Theo lộ trình Bộ Y tế xây dựng, đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện từ lứa tuổi cao đến thấp; tiêm cho lứa tuổi từ 16 - 17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

tphcm-du-kien-tiem-vac-xin-cho-tre-trong-5-ngay-voh.com.vn-anh1
Theo chuyên gia y tế, với trẻ khỏe mạnh không có bệnh nền, tiền căn dị ứng, việc tiêm vắc xin COVID-19 cũng như tiêm vắc xin bình thường khác. Còn trẻ có bệnh nền được khám sàng lọc kỹ trước tiêm và được tiêm ở nơi có điều kiện chăm sóc tốt như ở các cơ sở y tế. (Ảnh minh họa)

Theo dữ liệu trên cổng thông tin COVID-19 TPHCM chiều 16/10 cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi nhiễm COVID-19 tại thành phố chiếm tỷ lệ 5,16%.

Có khoảng 21.280 trẻ mắc trên tổng số ca nhiễm của TPHCM hiện nay là 412.400 ca.

Báo cáo Sở Y tế TP ngày 15/10 cho biết, hiện có 981 trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tại tầng 2 và 3.

Tính từ 17g ngày 15/10 đến 17g ngày 16/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 790 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 413.248 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

tphcm-du-kien-tiem-vac-xin-cho-tre-trong-5-ngay-voh.com.vn-anh2
(Nguồn: TTO)
Vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ em

Hiện nay, mặc dù số lượng trẻ em bị nhiễm COVID-19 ít hơn so với người lớn nhưng đây vẫn là đối tượng có khả năng mắc và truyền bệnh COVID-19 cho những người khác. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một trong những biện pháp có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm bệnh, ngăn ngừa sự lây lan và vắc xin cũng có thể giúp trẻ không bị bệnh nặng ngay cả khi trẻ nhiễm COVID-19. Vì vậy, hãy giúp bảo vệ cả gia đình bạn bằng cách tiêm chủng cho bản thân và các thành viên trong gia đình từ 12 tuổi trở lên nhằm chống lại dịch bệnh.

Hiện nay, trên thế giới, những loại vắc xin phòng COVID-19 đã được xác định là an toàn cho người lớn, hiện đang được tiếp tục nghiên cứu ở trẻ em. Trong đó, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer-BioNTech là phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng có thể được chỉ định vắc xin này như các nhóm đối tượng ưu tiên khác trong tiêm chủng. Theo đó, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược trên 2.260 người tham gia từ 12 - 15 tuổi tại Hoa Kỳ. Trong nhóm này, khoảng một nửa được cho tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19, những đứa trẻ còn lại được tiêm giả dược. Qua phân tích sau tiêm, trong số những người tham gia (chưa nhiễm SARS-CoV-2 trước đó) thì không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh COVID-19 xảy ra trong số 1.005 người được tiêm vắc xin. Ngược lại, có 16 trường hợp mắc COVID-19 xảy ra trong số 978 người được tiêm giả dược. Qua đó cho thấy vắc xin có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19.


Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 với chỉ định tiêm 2 mũi và mũi 2 cách mũi đầu tiên 3 tuần sau đó. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhận được liều lượng vắc-xin Pfizer-BioNTech COVID-19 giống như người lớn. Không có yêu cầu về trọng lượng của bệnh nhân đối với tiêm chủng COVID-19 và liều lượng vắc-xin COVID-19 không thay đổi theo trọng lượng của bệnh nhân. Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là an toàn, trẻ sẽ không bị nhiễm COVID-19 bởi vắc xin. Mặt khác, trẻ cũng có thể được chủng ngừa vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 và các loại vắc xin khác trong cùng một lần khám, không cần đợi 14 ngày giữa các lần tiêm. Để việc tiêm phòng diễn ra hiệu quả, cần chuẩn tâm lý cho trẻ trước, trong và sau buổi tiêm. Báo với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc phải. Lưu ý để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm chủng và trong 15 phút sau khi tiêm vắc xin. Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, phụ huynh sẽ được yêu cầu ở lại trong 15–30 phút để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Ngoài ra, trẻ em sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có thể gặp các tác dụng phụ như sốt, đau chỗ tiêm, mệt mỏi, … Đây là những dấu hiệu bình thường sẽ biến mất sau vài ngày và cho thấy cơ thể trẻ đang được bảo vệ.


Hiện nay, ngoài vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19, còn có 2 loại vắc xin khác cũng đem lại hiệu quả và có thể tiêm phòng cho trẻ em là vắc xin Abdala và Soberana của Cuba. Trong tương lại sẽ có nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 khác được nghiên cứu và mở rộng để tiếp cận cho trẻ em. Tuy việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho trẻ em có thể giúp giảm sự lây truyền bệnh nhưng điều này cũng có thể đạt được thông qua các biện pháp phòng chống dịch khác. Do đó, vẫn cần tuân thủ 5K sau khi tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. (Theo HCDC)