Đây là nội dung đưa ra tại hội nghị phản biện xã hội đối với đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào sáng 8/12.
Tại hội nghị, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, khi triển khai Đề án phải có sự đồng thuận của xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến người dân và người dân thực hiện kiểm định khí thải xe máy một cách tự nguyện. Theo đó, lộ trình thực hiện bao gồm: Năm 2021 - giai đoạn chuẩn bị: sẽ đầu tư 88 trạm kiểm định, đồng thời tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn toàn thành phố về chính sách kiểm soát khí thải. Năm (2022-2023): giai đoạn thử nghiệm và duy trì 88 trạm kiểm định; thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải xe máy và thu phí 50.000 đồng/xe/năm; áp dụng cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên. Năm (2024-2025): giai đoạn thực thi một phần và tăng thêm 78 trạm kiểm định; mở rộng vùng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải các Quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình.
Từ 2026 trở đi là giai đoạn thực thi toàn phần tại 13 quận trung tâm và thực hiện kiểm soát khí thải đối với tất cả các xe.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, hiện TPHCM có gần 8 triệu xe mô tô, gắn máy, vì vậy tình hình ô nhiễm khí thải tại TPHCM rất phức tạp. Trong đó số xe máy sử dụng trên 10 năm khoảng 5 triệu xe. Theo một số nghiên cứu tính toán thì môtô, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng, nhưng lại thải ra không khí khoảng 94% HC, 87% CO, 57% NOx và 33% bụi PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Chỉ số chất lượng không khí AQ1 của TPHCM năm 2017 là 86, thuộc nhóm chất lượng thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe đối với những người nhạy cảm và chỉ số PM2.5 là 28,3 mg/m3 vượt quá quy chuẩn 25 mg/m3.
Với số lượng xe cộ lớn, phương tiện giao thông quá cũ, kém chất lượng cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng độ thuyết phục của đề án chưa cao vì xe gắn máy rất nhiều trong khi những mẫu kiểm định chỉ có khoảng 10 ngàn là quá thấp. Vì vậy, đề án cần bổ sung thêm để nâng cao tính thuyết phục, phải có ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu về chi phí, thời gian cũng như chú trọng việc đào tạo các chuyên gia kiểm định để có đội ngũ làm việc lâu dài trong thời gian tới. Theo bà Hòa, đề án đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, thời gian vì trong việc kiểm định cần rất nhiều thời gian và cần nêu được mục tiêu và lợi ích có tác động như thế nào khi thực hiện đề án này tác động về môi trường, đem lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt chưa thấy vai trò của mặt trận, các đoàn thể thành viên cũng như vai trò của báo chí tuyên truyền cho Đề án là rất quan trọng. “Cần làm rõ thêm đề án”, bà Hòa đề nghị.
Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TPHCM - Ủy viên Ban thường vụ Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố cũng khẳng định, về chủ trương là cần thiết. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cần phải nghiên cứu cả đề án tổng thể về hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường phương tiện vận tải công cộng để đề án hoàn chỉnh cũng như phù hợp thực tế. “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 khu trung tâm TP sẽ không còn xe gắn máy nữa, Q.1, Q.3, Q.10, sau đó là các quận. Khi hết xe máy rồi thì việc phát khí thải thì sẽ như thế nào? Vì vậy các đề án tổng thể đó phải nghiên cứu để đề xuất đề án xác định khí thải cho phù hợp với thời gian và tránh lãng phí và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Hà Ngọc Trường ý kiến.
Còn ông Đồng Văn Khiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Công nghệ và Môi trường - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho rằng đề án còn nặng về lý thuyết hơn là thực tiễn, vì vậy làm sao vấn đề chính sách đặt ra cho phù hợp với lòng dân và phải thực hiện cho được, chứ hiện nay Thành phố ô nhiễm cao nhưng làm sao để không đụng chạm đến dân, vì nhà nào cũng có từ 1 đến vài chiếc xe máy, kể cả dân nhập cư. “Ô tô có kiểm định vậy tại sao không kiểm định xe máy? Có những xe máy mới mua, 5-7 năm mà đã đi mấy chục ngàn cây số rồi. Tại sao mình không đặt ra quy định là phải kiểm định, rồi cấp giấy đó nếu quá thời hạn kiểm định thì sẽ phạt, phạt thật nặng. Vấn đề đặt ra nữa là coi chừng lờn luật vì cứ đề ra nhưng lại không thực hiện được. Tóm lại là cần thiết phải làm", ông Khiêm phát biểu.
Hiện nay chưa có quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, vẫn đang chờ Bộ Giao thông Vận tải chỉnh sửa, bổ sung luật Giao thông đường bộ, nên TPHCM vẫn chưa thể tiến hành kiểm định và ra chế tài đối với xe máy cũ. Theo tính toán nếu thực hiện chính sách kiểm soát khí thải thì hàng năm, thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm được 13,1% tổng lượng CO phát thải; 13,8% tổng lượng HC phát thải.