Chờ...

TPHCM nỗ lực gỡ vướng trong việc xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp

(VOH) - Việc xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp là vấn đề được nhiều người nông dân quan tâm.

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ở các vùng ven đô. Vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cần tận dụng để mang lại giá trị kinh tế cao. Do vậy, việc xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp là vấn đề được nhiều người nông dân quan tâm hiện nay.

Nhằm giải đáp thắc mắc cho cử tri, Hội đồng nhân dân TPHCM và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM VOH phối hợp tổ chức chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” tháng 9/2020 với chủ đề “Xây dựng các công trình phụ trợ để phát triển nông nghiệp đô thị”.

Các đại biểu tham gia chương trình "Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” tháng 9/2020
Các đại biểu tham gia chương trình "Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” tháng 9/2020

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, kế hoạch đến năm 2020, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn lại là: 88.005 ha, phân bổ cho quận 9: 1.468 ha, huyện Cần giờ: 44.818 ha, huyện Củ Chi: 26.731 ha, huyện Bình Chánh: 9.516 ha, huyện Hóc Môn: 3.423 ha, huyện Nhà Bè: 2.049 ha.

Còn theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích đất sản xuất thực tế năm 2019 là 76.346 ha; trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp là 30.090 ha, đất lâm nghiệp là 35.640,46, đất nuôi trồng thủy sản là 8.650 ha, đất làm muối là 1.580 ha.

Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng – Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay, ngành nông nghiệp thành phố đang gặp phải một số khó khăn:

"Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà kho, chuồng trại...) trên đất sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định về xây dựng.

Khó khăn thứ 3 là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, do đó tâm lý của người dân chưa an tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do đất đai chưa ổn định vì còn nằm trong quy hoạch hoặc do bổ sung quy hoạch để thực hiện các dự án phi nông nghiệp khác theo yêu cầu của các chủ đầu tư.

Khó khăn thứ 4 là mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay, việc triển khai chưa được rộng rãi đến tất cả người dân."

Hiện nay, huyện Cần Giờ vẫn chưa có cơ sở pháp lý để triển khai cũng như quản lý và cho phép đối với việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên nông nghiệp. Đó là vì quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định nào điều chỉnh cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nói chung.

Giải pháp cho vấn đề này, ông Trương Tiến Triển – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết:

"Giải pháp ở đây là chúng tôi một mặt tập trung làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các qui định pháp luật về quản lý đất đai - xây dựng; mặt khác chúng tôi báo cáo các ngành chức năng thành phố, UBND thành phố về bất cập như nêu trên… Đồng thời với đề xuất giải pháp cho phép thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp.

Qua đó có cơ sở để triển khai thực hiện và qua thí điểm sẽ có tổng kết để tiến đến chính thức có Quy định về xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp để gỡ khó khăn cho người nông dân và cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp; Tạo tiền đề và động lực phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ nói riêng và phát triển ngành nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới."

Tham gia Chương trình, ông Trầm Quốc Thắng – Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong – huyện Củ Chi đặt câu hỏi: "Hiện nay, thành phố đã có chủ trương tái cơ cấu đàn heo trên địa bàn thành phố sau thời gian dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó yêu cầu hàng đầu để tái chăn nuôi phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học. Hợp tác xã đã triển khai đến các xã viên xây dựng phương án cải thiện chuồng trại để tái đàn chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thú y.

Tuy nhiên, việc xây dựng, mở rộng chuồng trại bị vướng mắc. Cụ thể, hầu hết công trình xây dựng chuồng trại đều nằm trên đất lúa, vườn, thổ cư hoặc đang xây dựng các công trình trên đất đã quy hoạch là đất ở, công viên cây xanh. Vì vậy, địa phương không đồng ý để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Đề nghị các sở ngành thành phố có hướng dẫn và cho phép người chăn nuôi được phép xây dựng, cải tạo chuồng trại để đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để phát sinh dịch bệnh thiệt hại đến kinh tế của người chăn nuôi."

Giải đáp thắc mắc cho ông Trầm Quốc Thắng, ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường – cho hay: "Luật Đất đai đã có quy định: Đối với đất nông ngiệp khác, thì người sử dụng đất sẽ được xây dựng chuồng trại để phục vụ cho chăn nuôi. Như vậy, nếu muốn xây dựng chuồng trại trên đất nông nghiệp, thì trước tiên, loại đất mình đang sử dụng phải là đất nông nghiệp khác, tức là đảm bảo quy định về phù hợp với quy hoạch. Theo trình bày của anh Thắng, hiện nay các khu vực đất mà anh Thắng đang sử dụng thì đang bị điều chỉnh bởi các quy hoạch khác nhau. Như vậy, điều kiện đầu tiên để anh Thắng có thể xây dựng chuồng trại chăn nuôi phục vụ thì đất của anh phải phù hợp với đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định để chuyển đất chưa phải là đất nông nghiệp khác sang đất nông nghiệp khác thì hiện nay cũng gặp một số vướng mắc về quy định. Ví dụ như về quy mô xây dựng như thế nào, quy hoạch được xác định như thế nào… Được biết, để giải quyết những khó khăn vướng mắc này của bà con, vừa qua, UBND TP cũng đã có chỉ đạo cho Sở Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận huyện để thực hiện việc thí điểm đối với việc người dân khi có nhu cầu xây dựng các công trình để phục vụ sản xuất đất nông nghiệp."

Giải pháp xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khi phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng Sở Xây dựng Thành phố - cho biết, về đối tượng, UBND TP đã thống nhất phạm vi áp dụng cho các Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng các công trình nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (không phân biệt đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác; Không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt); Về giải pháp xây dựng được phân theo 02 nhóm công trình, cụ thể:

+ Nhóm 1 - công trình được tự thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp nhưng phải thông báo đến Ủy ban nhân dân xã để phối hợp kiểm tra, quản lý việc thực hiện theo đúng nội dung Chủ đầu tư đã thông báo. Nhóm 1 gồm hạng mục: chòi canh, nhà giữ vườn (với diện tích không quá 15m2) không nhằm mục đích để ở được lắp dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường như: cây gỗ, tranh, tre, nứa, lá; Kênh, mương phục vụ tưới tiêu; Cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi;

+ Nhóm 2 - công trình phải được Uỷ ban nhân dân huyện thỏa thuận quy mô phù hợp phương án sản xuất nông nghiệp để Chủ đầu tư thẩm định phê duyệt và thông báo ngày khởi công xây dựng đến Uỷ ban nhân dân xã để được phối hợp kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy định trước khi xây dựng. Nhóm 2 gồm các công trình (có quy mô cấp IV: mật độ xây dựng không quá 5%; 01 tầng, diện tích xây dựng <1.000m2, chiều cao công trình <6m)

Nội dung Chủ đầu tư cần thực hiện để được thỏa thuận quy mô phù hợp phương án sản xuất nông nghiệp: Một là thuyết minh phương án sản xuất nông nghiệp xác định nhu cầu và sự cần thiết để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp; Hai là Sơ đồ mặt bằng thể hiện vị trí công trình trên thửa đất, khoảng cách công trình đến ranh đất xung quanh và công trình kế cận (nếu có); diện tích (dài x rộng), chiều cao công trình, chất liệu xây dựng (khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; phù hợp với tập quán, sinh hoạt của nông dân địa phương); Kết nối hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp thoát nước, giao thông và vệ sinh môi trường; bố trí phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy.

Sau khi có văn bản thỏa thuận của Ủy ban nhân dân huyện, Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng; Gửi thông báo ngày khởi công xây dựng đến Uỷ ban nhân dân xã để được phối hợp kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy định.

Kết luận chương trình, liên quan đến việc xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố - nhận định: "Mặc dù các quy định của pháp luật hiện chưa có nhưng TPHCM đã đi đầu trong vấn đề này, Thành phố đã có những đề xuất, thí điểm tại 3 huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tổng kết lại những việc làm được và trên cơ sở tổng kết đó, chúng ta sẽ phát huy, triển khai rộng rãi ở các huyện còn lại để thực hiện được việc mà người dân mong mỏi, đó là sản xuất ổn định trên đất nông nghiệp của mình.

Để triển khai nhanh các hướng dẫn, các quy định để bà con có thể thực hiện được tốt, trong thời gian tới, đặc biệt trong kế hoạch, những tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Hội đồng nhân dân TP sẽ giám sát việc này để đảm bảo quyền lợi của bà con được thực hiện; Bà con có thể xây dựng được các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để phát triển được nông nghiệp đô thị."

Xem thêm: