Đăng nhập

TPHCM Tháng 4 rực rỡ - Trở về để nhớ, để tự hào!

00:00
05:11
05:11
VOH - TPHCM những ngày này như khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của lịch sử. Lắng nghe nhịp đập của miền ký ức, để tự hào và trân trọng giá trị của tự do, hòa bình.

Giữa sắc cờ đỏ sao vàng rợp trời và tiếng nhạc hào hùng vang lên từ các ngả đường, hàng vạn trái tim đang cùng sống lại thời khắc thiêng liêng cách đây 50 năm – ngày đất nước thống nhất.

Trong không khí ấy, những người dân từ mọi miền Tổ quốc trở về với những địa chỉ đỏ – những nơi từng khắc ghi dấu chân họ trong những tháng năm đấu tranh gian khổ vì độc lập, tự do.

Giữa dòng người tấp nập đến thăm Dinh Độc Lập nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Thanh Tường, nguyên chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203, lặng lẽ ngồi dưới tán cây quen thuộc.

Nhìn dòng khách xếp hàng, ông bồi hồi nhớ lại buổi trưa lịch sử 30/4/1975 – thời khắc ông nhận nhiệm vụ đi đầu trinh sát, dẫn đường cho đoàn xe tăng tiến vào Sài Gòn.

z6510222229142-124eb26e9c9acc9b1d1c974e84b9f0fc_20250416115336Xem toàn màn hình
Tác giả chụp ảnh cùng cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tường - Ảnh: Văn Phúc.

Trên chiếc xe jeep tịch thu từ quân địch, ông tự tay lái băng qua cầu Đồng Nai, cầu Sài Gòn, tiến thẳng về Dinh Độc Lập giữa tiếng reo hò vang dậy của người dân hai bên đường.

"Lúc chú đi vào, khi bắt đầu qua cầu Sài Gòn thì người dân đã ra đứng rất đông, chật kín hai bên đường, đón đoàn quân Giải phóng. Chú lái xe mà có cảm giác như mình đang trong mơ, người cứ lâng lâng, không biết mình đang làm gì nữa. Trước mặt chú là một biển người đón chào đoàn xe tăng tiến vào Sài Gòn.", Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tường bồi hồi nhớ lại.

Năm ấy, ở tuổi 30 tràn đầy nhiệt huyết, ông Tường cùng đoàn xe tăng xông vào Dinh, chứng kiến cánh cổng đổ sập, lá cờ Giải phóng tung bay, kết thúc chiến tranh. Không một tiếng súng vang thêm, chỉ có niềm vui vỡ òa của cả dân tộc.

Từ sau ngày thống nhất, ông Tường chọn ở lại TPHCM. Gần nửa thế kỷ gắn bó, mỗi dịp tháng Tư, ông cùng vợ đều trở lại nơi này, sống lại ký ức hào hùng. Ông chia sẻ: "Rất tự hào về sự phát triển của đất nước. Riêng năm nay thì đúng là quá hoành tráng, có máy bay, xe tăng, rồi các đoàn của các nước vào tham gia diễu hành nữa. Rất là tự hào!"

Không riêng cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tường – người từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, những ngày qua, Dinh Độc Lập đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tưởng niệm và chụp ảnh kỷ niệm.

Bên cạnh những người lính già là hình ảnh thế hệ trẻ rạng rỡ trong tà áo dài, trang phục truyền thống, hay quân phục, trên tay cờ đỏ sao vàng – đã tạo nên một không khí trang trọng, tự hào và đầy cảm xúc.

Em Nguyễn Thị Kim Anh, đến từ Đắk Lăk trong tà áo dài đỏ rực in hình cờ Tổ quốc, chia sẻ: "Không khí gợi nhớ lại lịch sử cách đây 50 năm. Ấn tượng nhất là cánh cổng của Dinh Độc Lập. Tụi em chỉ đứng ở đây thôi mà cũng cảm thấy rất hào hùng, như đang sống lại những năm tháng mà ông cha ta đã làm nên chiến tích.

Em cảm thấy rất hạnh phúc khi được đứng trước Dinh Độc Lập, mặc bộ áo dài thể hiện truyền thống của đất nước mình để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất."

aaaq_20250416115528
Bến Nhà Rông nhìn từ trên cao - Ảnh: Văn Phúc.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa với quy mô lớn, từ triển lãm, diễu hành, bắn đại bác, đến các chương trình tham quan tại các di tích lịch sử, bảo tàng, địa chỉ đỏ được chỉnh trang và trưng bày phong phú hơn bao giờ hết.

Trở về miền Nam dịp này có ông Cao Khắc Thành – cựu chiến binh từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975.

Với ông, địa đạo Củ Chi là điểm dừng chân đặc biệt xúc động, nơi hội tụ trí tuệ và lòng dũng cảm. Những người dân, chiến sĩ ở đây đã sống và chiến đấu ngay trong lòng đất, bằng tất cả ý chí kiên cường.

Những hình ảnh như bếp Hoàng Cầm, bệnh xá dã chiến, hầm bí mật... đã đủ để khơi lại trong ông những ký ức chiến tranh sâu đậm.

Ông Thành xúc động chia sẻ: “Bác rất trân trọng, trân quý ý chí kiên cường của người dân Củ Chi. Ở ngoài Bắc, cũng gian khổ, cũng ác liệt, nhưng khi thấy người dân Củ Chi sống quanh năm, từ năm này qua năm khác trong điều kiện như vậy thì thật sự không thể tưởng tượng nổi.

Nhà bác ở Quảng Trị nên bác biết – mùa mưa là nước ngập, ngủ quên là ướt hết. Vậy mà người dân ở đây vẫn sống được quanh năm trong địa đạo. Trên thì nước, mà dưới vẫn ở được như thế – thực sự khiến bác khâm phục vô cùng.”

Còn với người dân TPHCM, những ngày này thật đặc biệt. Không khí hân hoan, rộn ràng lan tỏa khắp nơi, ai cũng ánh lên niềm tự hào.

z6510222302902-f79ea13ba5ad2b91bda23ddad73d486a_20250416115336
Các nữ chiến sĩ của thời bình chụp ảnh tại Bến Bạch Đằng - Ảnh: Văn Phúc.

Hòa vào dòng người đổ về các địa điểm lịch sử, chị Nguyễn Thị Thu Năm, cán bộ ngành y tế Quận 8, cùng gia đình chọn Bến Bạch Đằng và Bến Nhà Rồng – những nơi in dấu bước chân Người, để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ trong dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với chị, đó không chỉ là một chuyến đi, mà là hành trình tìm về nguồn cội của lòng yêu nước: "Bến Bạch Đằng đã đi vào lịch sử, và ngay cạnh bên là Bến Nhà Rồng – nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Vì vậy, tôi và người thân trong gia đình chọn nơi đây làm điểm đến để tham quan, chụp hình lưu niệm trong ngày hôm nay."

Việc tận mắt chứng kiến dàn đại bác trang nghiêm đang được chuẩn bị cho nghi lễ bắn mừng ngày thống nhất càng khiến chị cảm nhận rõ không khí thiêng liêng, trọng đại của những ngày tháng 4 lịch sử.

z6510222409263-18b719349dbc9e74d798a6d830e42581_20250416115335
Người dân hào hứng ghi lại kỷ niệm đáng nhớ - Ảnh: Văn Phúc.

Cũng chung tâm trạng ấy, nhưng từ một vùng đất phương Nam, Ông Trịnh Hoàng Tuấn – người dân đến từ thành phố Bạc Liêu – lần đầu tiên đặt chân đến TPHCM đúng dịp lễ lớn, mang theo niềm xúc động không giấu được.

Với tinh thần tham quan, nhưng cũng là để sống trong bầu không khí thiêng liêng của cả dân tộc. Không chỉ riêng ông mà ai cũng háo hức, tự hào khi chứng kiến đất nước mình đã trưởng thành, phát triển vững vàng sau 50 năm hòa bình.

Ông Tuấn đặc biệt ấn tượng với khu vực trưng bày 15 khẩu đại bác tại Bến Bạch Đằng – nơi sẽ diễn ra nghi lễ bắn 21 phát đại bác vào đúng ngày lễ 30/4. Ông tự hào nói: “Đây là lần đầu tiên người dân được tiếp cận gần đến vậy với những loại vũ khí này. Các anh bộ đội Cụ Hồ thì rất gần gũi, dễ mến, tạo nên cảm giác thân thiện và gắn bó giữa quân và dân.”

z6510222342541-d75e7231c3043136ad996506da6160fa_20250416115336
Dàn đại bác nghi lễ đã sẳn sàng cho thời điểm trọng đại - Ảnh: Văn Phúc.

Đến từ mọi miền đất nước, ai cũng mang trong tim một câu chuyện riêng, một phần ký ức đã sống cùng đất nước qua những năm tháng chiến tranh. Khi về lại TPHCM trong tháng 4 lịch sử này, tất cả cùng chung một nhịp đập, niềm kiêu hãnh là công dân một đất nước thống nhất, một thành phố “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, như lời Bác Hồ mong đợi.

Bình luận