Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hàn Quốc: Dân số già tăng nhanh, người cao tuổi bị hạn chế tiếp cận dịch vụ

VOH - Trong bối cảnh dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng, một thực trạng đang gây tranh cãi: nhiều cơ sở kinh doanh tại nước này hạn chế hoặc từ chối tiếp khách hàng cao tuổi.

Các quán cà phê, phòng tập thể thao và một số cơ sở dịch vụ ở Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai "khu vực miễn người cao tuổi," tương tự như "khu vực cấm trẻ em" từng xuất hiện.

Một phòng gym tại Seoul đã hai năm nay từ chối khách hàng trên 70 tuổi. Chủ phòng gym, xin giấu tên, chia sẻ rằng người cao tuổi dễ bị thương trong quá trình tập luyện, điều này gây phiền hà cho cả người kinh doanh lẫn khách hàng trẻ tuổi. Do đó, anh đưa ra nội quy nghiêm ngặt: “Không chào hỏi, tặng quà, nhờ vả hay khen ngợi những người trẻ tuổi.”

tu choi_voh
Người già Hàn Quốc đang bị nhiều cơ sở dịch vụ từ chối phục vụ. - Ảnh: Bloomberg.

Không chỉ các phòng gym, các quán cà phê tại thủ đô Seoul cũng bắt đầu bày tỏ thái độ không chào đón người cao tuổi. Cô Jeong, quản lý một quán cà phê ở quận Gangnam, chia sẻ: “Nhiều người lớn tuổi hành xử thô lỗ, lớn tiếng và không quen dùng các thiết bị tự phục vụ hiện đại như ki-ốt, gây không ít phiền toái cho nhân viên và khách hàng xung quanh.” Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận: “Tôi nghĩ việc cấm người già có phần cực đoan, nhưng cũng dễ hiểu khi một số cửa hàng lựa chọn điều này.”

Phản ứng của dư luận trước hiện tượng này khá trái chiều. Ông Roh, 77 tuổi, bày tỏ lo ngại: “Liệu chúng tôi không thể đến quán cà phê chỉ vì tuổi tác? Điều này sẽ tạo ra lòng căm ghét đối với người cao tuổi, mà người trẻ rồi cũng sẽ già đi và gặp phải những vấn đề tương tự.”

Tuy nhiên, không ít người trẻ lại ủng hộ các quy định hạn chế người cao tuổi trong một số cơ sở dịch vụ. Bạn Kim, 24 tuổi, sinh viên, cho biết: “Người cao tuổi nói chuyện lớn tiếng trong các không gian chung như phòng gym, quán cà phê. Nhiều bạn trẻ không muốn ở gần họ vì sự khác biệt trong cách sinh hoạt và giao tiếp.”

Một số người cho rằng việc này xuất phát từ nhu cầu phục vụ đúng đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp muốn hướng tới. Anh Park, 22 tuổi, nói: “Các chủ cửa hàng cũng muốn thu hút khách hàng trẻ, những người ưa chuộng không gian hiện đại, yên tĩnh. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên hiểu cho góc nhìn của họ.”

Trước làn sóng này, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) đã vào cuộc, coi việc từ chối người cao tuổi trong các cơ sở thể thao là hành vi phân biệt đối xử. Trong một kiến nghị gần đây, một người đàn ông 68 tuổi cho biết ông bị từ chối khi muốn đăng ký hội viên tại một phòng gym chỉ vì đã trên 65 tuổi.

NHRCK khuyến nghị các cơ sở dịch vụ cần có biện pháp để đảm bảo quyền sử dụng dịch vụ của người cao tuổi, đồng thời cảnh báo các "khu vực hạn chế người già" có thể góp phần lan truyền nhận thức tiêu cực và làm gia tăng tình trạng phân biệt tuổi tác.

Theo giáo sư Oh Beom-jo, chuyên gia y học gia đình tại Bệnh viện Boramae, việc phân biệt người cao tuổi không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn làm tăng gánh nặng chi phí xã hội. Bên cạnh đó, giáo sư Choi Chul, Đại học Phụ nữ Sookmyung, cho rằng hành động này có thể làm suy giảm môi trường tiêu dùng của cả cộng đồng.

Hiện tại, số người trên 65 tuổi tại Hàn Quốc đã vượt quá 10 triệu người, chiếm khoảng một phần năm dân số. Theo dự báo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số sẽ giảm từ 51 triệu xuống còn 36 triệu vào năm 2072, trong đó có đến một nửa là người già trên 63 tuổi.

Bình luận