Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sài Gòn - thập niên 60

(VOH) - Những năm đầu 1960 của thế kỷ trước, Sài Gòn và các vùng ven thành phố không khí đấu tranh chống Mỹ diễn ra sôi nổi, mọi người nhất loạt đình công, bãi chợ, xe thuyền không chạy, các tiệm đóng cửa, rải truyền đơn, họp mitting chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Nghe nội dung bài viết:

Ngày 9/3/1961, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định do Huỳnh Tấn Phát, Khu ủy viên làm Chủ tịch. Có đông đảo đại diện của nhân dân Sài Gòn trong tổ chức cách mạng này. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Đồng Khởi năm 1960. 

Năm 1960, một nhóm sĩ quan trong quân đội Sài Gòn do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu đã tổ chức đảo chánh Ngô Đình Diệm. Do không có kế hoạch rõ ràng, thành phần tham dự lại quá “ô hợp” nên cuộc đảo chánh bất thành, hàng chục nhân vật đối lập bị bắt, bị thuyên chuyển.

Đầu năm 1962, một nhóm sĩ quan của quân đội Sài Gòn do Nguyễn Văn Lực cầm đầu đã bí mật tổ chức một kế hoạch đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau một thời gian điều tra, nhóm đảo chính biết được ngày 27/2/1962 là ngày gia đình Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đều có mặt ở Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống nhất) và kế hoạch được thực hiện.

Lần ném bom này khiến cho Dinh Độc lập bị hư hỏng nặng nhưng gia đình Ngô Đình Diệm may mắn thoát chết. Do bị hư hại nặng nên Ngô Đình Diệm phải cho dời phủ Tổng thống sang Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TPHCM), đồng thời cho san bằng dinh cũ để xây lại dinh mới hoàn toàn. Mục đích cuộc ném bom không thành nhưng nó đã báo hiệu sự suy sụp của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam.

Một sự kiện lịch sử không thể quên xảy ra ở Sài Gòn lúc bấy giờ đó là ngày 10/6/1963  xảy ra vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là Cách mạng tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu) làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Vụ tự thiêu có chuẩn bị của cả một tập thể lớn tăng ni, Phật tử, nên sự vụ bao gồm cả một buổi lễ cầu siêu trước ở chùa Xá Lợi, một cuộc biểu tình khoảng 1.000 tăng ni, sư sãi đưa Hòa thượng Thích Quảng Đức đến nơi tự thiêu và một lễ tang lớn đã được cử hành ngay tại chỗ có nội dung tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm.

Phong trào đấu tranh của Phật giáo tiến lên một cao điểm mới. 

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm - Ảnh: Life.

Ngày 9/5/1964, thêm một sự kiện làm náo động dư luận Sài Gòn và thế giới, chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi đã đặt bom tại cầu Công Lý (trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Sài Gòn) để giết chết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara. Do bị lộ nên trận đánh không thành nhưng đã là một đòn cảnh cáo đối với những hoạt động chuẩn bị leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Anh Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và tử hình vào ngày 15/10/1964. Hai ngày sau, anh được truy tặng Anh hùng lực lượng võ trang và được Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng nhất. 

Chấp hành Nghị quyết của Trung ương Đảng, 2 giờ sáng ngày 31/1/1968, cả thành phố Sài Gòn tấn công mãnh liệt vào các cơ quan đầu não của địch, như tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc lập, Bộ tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát, khu kho Nhà Bè, trại thiết giáp Phù Đổng, xưởng quân cụ 80, trại pháo Cổ Loa, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, căn cứ truyền tin Phú Lâm….

Một trung đội quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1968 (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là đòn đánh trúng vào đầu não, đồng thời tạo ra bất ngờ về mọi mặt của địch. Việc quân ta đồng loạt tấn công vào hậu phương của địch, “đưa chiến tranh vào đô thị” chính là đòn choáng váng nhất đối với Mỹ trong quá trình can thiệp quân sự vào Đông Dương.

Ngày 31/1/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, chấp nhận chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, đồng ý thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu từ ngày 3/5/1968 tại thủ đô Paris.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân còn là cuộc tổng diễn tập chiến lược, phát huy thành quả Đồng Khởi 1960 và tạo tiền đề cho trận quyết chiến dứt điểm trong chiến dịch mùa xuân lịch sử năm 1975. 

Bình luận