Tiêu điểm: Nhân Humanity

Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển - cần cân nhắc điều gì?

(VOH) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đã đăng ký các nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018 sẽ có cơ hội thực hiện điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19/7 đến 28/7.

Đây là thời điểm rất quan trọng đối với thí sinh, bởi vì việc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý sẽ giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển ngay ở đợt đầu tiên. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần phải điều chỉnh, cũng như thí sinh cần cân nhắc thấu đáo để có những quyết định điều chỉnh sáng suốt. 

Tỉnh táo điều chỉnh nguyện vọng

Không như thời điểm tháng 4, dịp điều chỉnh nguyện vọng lần này được thực hiện trên cơ sở thí sính đã có đầy đủ các thông tin về điểm thi của mình, phổ điểm chung, điểm sàn và điểm trúng tuyển các năm trước.

Những thông tin này nếu được phân tích, cân nhắc và lựa chọn kỹ càng sẽ mở ra cho thí sinh khá nhiều cơ hội, cũng như tăng khả năng trúng tuyển đại học ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Đây cũng là dịp để thí sinh xác định lại lần nữa ngành nghề đam mê yêu thích của mình, cũng như bổ sung thêm nguyện vọng nếu cần thiết.

Điều chỉnh nguyện vọng

Thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố trước khi điều chỉnh nguyện vọng (Ảnh: Cao đẳng Y dược TPHCM)

Theo các chuyên gia việc điều chỉnh nguyện vọng chỉ nên thực hiện khi điểm thi của thí sinh không phù hợp với mặt bằng chung của ngành học đã đăng ký hoặc có thay đổi về ngành học đam mê, yêu thích.

Những thay đổi được cân nhắc như thay đổi thứ tự ưu các nguyện vọng, thêm nguyện vọng vào trường, ngành học phù hợp, hoặc bỏ bớt nguyện vọng vào những trường những ngành không yêu thích, không còn phù hợp...

Bà Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM lưu ý: lần thay đổi nguyện vọng này là lần thay đổi sau cùng và mang tính chất quyết định. Thí sinh nên đặt sở thích, đam mê lên hàng đầu.

Bà An khuyên, thí sinh nên chia thành 3 nhóm nguyện vọng. Thứ nhất, nhóm nguyện vọng vào các ngành các trường mà mình thật sự yêu thích và trên khả năng một chút, để trường hợp điểm trúng tuyển của trường đó năm nay giảm hơn dự kiến, các bạn vẫn có cơ hội.

Nhóm thứ hai vẫn là nhóm các bạn yêu thích, vẫn muốn học và điểm chuẩn hàng năm bằng với năng lực của thí sinh.

Nhóm thứ ba cũng là các ngành muốn học và thấp hơn khả năng của thí sinh – từ đó có sự cân nhắc phù hợp.

Mặt bằng điểm thi năm nay có khuynh hướng thấp hơn so với năm 2017 với phổ điểm các tổ hợp xét tuyển tập trung mức từ 15 đến 20 điểm. So với năm 2017 là từ 18-22 điểm, phổ điểm có sự chênh lệch đáng kể, từ 2-3 điểm. Mức điểm sàn được các trường đưa ra cũng thấp hơn so với năm học trước.

Chẳng hạn, nếu như năm 2017, điểm sàn ngành Y đa khoa, Đại học Y dược TPHCM là 23 điểm, thì năm nay ngành này chỉ nhận hồ sơ thí sinh từ 21 điểm. Đại học Kinh tế TPHCM năm 2017 điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là 18 và 20 thì năm 2018 điểm sàn là 16 đến 18 điểm, ngành Sư phạm Toán học Đại học Sài Gòn năm 2017 là 19 điểm và năm nay là 18 điểm...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào mức điểm sàn. Căn cứ quan trọng để các thí sinh cân nhắc lựa chọn trường học, ngành học là điểm chuẩn trúng tuyển của các trường trong 3 năm trở lại đây.

"Điểm sàn" có thể sẽ là cái "bẫy"

Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng: “Điểm sàn năm nay thấp do các trường tự chủ đưa ra. Tuy nhiên, nếu thí sinh không cân nhắc cẩn trọng, mức điểm sàn sẽ là "cái bẫy" – do đó phải cân đối thật kỹ.

Hiện tại, phổ điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp hơn năm trước nhưng những trường đại học có uy tín, thí sinh quan tâm nhiều, chắc chắn không có tình trạng điểm chuẩn giảm một cách đột ngột đáng kể. Có thay đổi chăng nữa cũng dịch chuyển ở khoảng từ 1 đến 2, tối đa là khoảng 3 điểm thôi".

Bên cạnh đó, dù mức phổ điểm có thấp hơn năm trước, thí sinh đạt điểm cao ít, nhưng số thí sinh có mức tổng điểm 3 môn từ 18 đến 20 khá nhiều. Trong khi đó, năm nay, ngoài việc xét tuyển bằng điểm thi trung học phổ thông quốc gia, các trường còn xét tuyển bằng học bạ, hình thức ưu tiên xét tuyển thẳng, bài thi khảo sát năng lực...

>>> Danh sách 100 trường đại học công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm thi THPT 2018

Số thí sinh trúng tuyển bằng các hình thức này chiếm tỷ lệ không nhỏ, do đó sẽ kéo giảm tổng chỉ tiêu trúng tuyển bằng điểm thi trung học phổ thông quốc gia, ảnh hưởng ít nhiều đến điểm chuẩn trúng tuyển của các trường.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, điểm chuẩn các ngành học, trường học tốp giữa sẽ không biến động nhiều. Tuy nhiên, những trường tốp đầu, điểm chuẩn cực cao ở các năm như Đại học Y Dược, Đại học Ngoại thương... khả năng điểm chuẩn sẽ giảm ở mức độ nhất định, do số học sinh đạt điểm giỏi 9, 10 không nhiều như năm 2017.

Thí sinh nên đăng ký nhiều nguyện vọng, ở các mức điểm chuẩn khác nhau để tận dụng tối đa những ưu thế điểm của mình.

Ông Nguyễn Quốc Cường lưu ý: “Không nhất thiết chúng ta phải học ở 1 trường nào đó, nhưng bạn nên học ngành đó ở các trường khác nhau. Quan điểm của tôi là ngành học chứ không phải là trường học. Không phải bạn học Đại học Quốc gia thì mới là uy tín, danh dự. Bạn phải học ngành đó ở đâu để khi bạn học, có kiến thức và yêu thích công việc mà ngành học đó sẽ mang lại cho bạn. Điều đó là quan trọng nhất".

Chỉ còn ít ngày nữa là việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học cao đẳng hoàn tất. Bước điều chỉnh này có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự thành công của của 12 năm học tập của mỗi thí sinh.

Vì vậy, việc tỉnh táo, cân nhắc điều chỉnh, hoặc giữ nguyên nguyện vọng cần được bản thân thí sinh và gia đình xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt, với quy chế cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, các nguyện vọng lại bình đẳng như nhau, thực sự là điều kiện thuận lợi cho bạn trẻ chạm đến ước mơ đại học của mình.

Bình luận