Tiêu điểm: Nhân Humanity

Du lịch Đà Lạt - Bao giờ trở lại vàng son?

(VOH) - Là địa phương đăng cai Năm du lịch quốc gia 2014 - Năm du lịch Tây nguyên, thời gian qua, nhiều hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc đã và đang diễn ra tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng cũng như các huyện/thị xã trong tỉnh. Thông qua những hoạt động như thế, bước đầu, du lịch ở thành phố ngàn hoa đã tạo được điểm nhấn, thu hút rất đông du khách ở thị trường du lịch trọng điểm tại TPHCM cũng như các tỉnh khu vực Nam bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động bề nổi đó, nếu không có những sự đầu tư quy mô và đa dạng hóa các sản phẩm thì về lâu dài, du lịch Đà Lạt khó lòng níu kéo du khách.
Festival hoa Đà Lạt (ảnh minh họa: dulichdalat)

Cho đến nay, hầu hết các địa phương đều chú trọng việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch và coi đây là hình thức chính để thu hút du khách. Với thế mạnh của mình, Đà Lạt từ lâu đã nằm trong lựa chọn của khách du lịch bốn phương bởi điều kiện tự nhiên và khí hậu đặc trưng của nó. Mặc dù vậy, cho đến nay, sức hút của du khách khi đến với thành phố này chậm được đổi mới, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có Hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Lang Biang, Thác Pren, những công trình kiến trúc, biệt thự Pháp cổ xưa. Đó là chưa kể sự phát triển về mật độ dân số của đô thị đã đe dọa rất lớn đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường của thành phố ngàn hoa. Nhiều địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt trước đây giờ đã biến mất khỏi danh sách tour tuyến du lịch của thành phố. Chính điều này đã làm giảm sức hút của Đà Lạt đối với du khách trong và ngoài nước. Ông Võ Ngọc Phát, Quyền giám đốc Ban tiếp thị và truyền thông, Công ty du lịch Viettravel, một trong những đơn vị khai thác rất mạnh tour Đà Lạt nêu thực tế: “Mọi người nói đến Đà Lạt là nói đến không khí trong lành, mát mẻ. Tuy nhiên những nét cổ kính, những địa điểm tham quan gắn chặt trong lòng mọi người khi biết đến Đà Lạt cũng cần lưu ý để tiếp tục phát triển những địa danh này. Thế nhưng thực tế, khi đi ngang qua Hồ Than Thở, một địa điểm được khắc rất sâu trong tâm trí của những khách du lịch đã từng đến Đà Lạt. Tuy nhiên hiện tại, địa danh này đã không còn nằm trong các chương trình tour để đi tham quan. Như vậy, một mặt chúng ta phát triển nhiều sản phẩm mới và tiếp tục quảng bá thì một mặt còn lại chúng ta nên tiếp tục phát triển chính các sản phẩm huyền thoại này để tránh nguy cơ mai một đi”.



Tại hội nghị về xúc tiến hợp tác phát triển du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng do địa phương này phối hợp với Công ty du lịch Intertour tổ chức mới đây, ông Đoàn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ sự đồng tình và tiếc nuối: “Một thời gian không ngắn, các sản phẩm của Đà Lạt - Lâm Đồng ít có sự thay đổi và sự thay đổi ấy đôi khi không rõ nét, tạo ra tâm lý cho khách du lịch đến dễ bị nhàm chán, ít muốn quay trở lại lần thứ hai. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch, các công ty lữ hành khó có những nội dung hấp dẫn để giới thiệu, kêu gọi, quảng bá cho du khách đi theo tour, tuyến của mình. Đó là chưa kể một số khu, điểm du lịch theo thời gian, theo năm tháng đã xuống cấp. Điều này rất dễ thấy như thác Cam Ly, Hồ Than Thở, một phần thác Pren và một số các khu vực du lịch trong trung tâm của thành phố. Tour tuyến mới cho du lịch riêng của Đà Lạt, Lâm Đồng có đặt ra nhưng chưa xây dựng được”.


Nếu so sánh với các địa phương khác trong khu vực Tây Nguyên, du lịch Đà Lạt vẫn được xem là nổi bật hơn cả. Tuy vậy, xét trên bình diện chung cả nước, việc đầu tư phát triển du lịch ở nhiều tỉnh thành phát triển rất nhanh thì ở thành phố này gần như dậm chân tại chỗ. Trong khi Nha Trang có khu du lịch Vinpear Land, Đà Nẵng có khu du lịch Bà Nà như một điểm nhấn thu hút du khách thì Đà Lạt 20 năm qua vẫn thiếu một khu du lịch phức hợp đủ sức để níu kéo du khách. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, chuyên viên sản phẩm, Công ty du lịch Intertour, việc phát triển sản phẩm du lịch Đà Lạt không khó nếu biết tận dụng những thế mạnh của địa phương. Một trong những sản phẩm du lịch đầy ý nghĩa mà công ty đã và đang triển khai rất thành công, được du khách hưởng ứng đó là chương trình “Du khách trồng cây lưu dấu” tại TP Đà Lạt. Trong vòng 5 năm triển khai, đã có hơn 10 ngàn cây thông được trồng để góp thêm màu xanh, tạo nên cảnh quan cho rừng trong thành phố: “Tôi thấy rằng du khách rất hào hứng và chủ động trong quá trình tạo một mảng xanh và góp một phần, chung sức cho màu xanh của Đà Lạt xanh thêm. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng tiến hành tổ chức cho du khách phối hợp với UBND TP Đà Lạt đặt tên con đường mà du khách và nhân dân TP Đà Lạt đã trồng trên đó. Cho đến nay, đã có 2 con đường hiện nay được ghi tên vào tên đường của Đà Lạt. Thứ nhất là đường Mai Anh Đào phía trước đồi Mộng mơ và đường Mimoza. Tôi nghĩ rằng, sắp tới nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình “Trồng cây lưu dấu, góp xanh đại ngàn” chúng ta sẽ thêm những con đường mang tên hoa. Và chắc chắn, khi du khách đến đây sẽ thấy được rằng, thành phố hoa với những con đường mang tên hoa”.




Nhiều đơn vị lữ hành cũng nhìn nhận, du lịch Đà Lạt trước nay chỉ gói gọn trong phạm vi nội đô chứ chưa mở rộng ra khu vực lân cận - những nơi chuyên canh nông nghiệp hoa quả vốn là thế mạnh, đáp ứng sự trải nghiệm của du khách. Rất may, trong bối cảnh thiếu các sản phẩm du lịch, gần đây, một số doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư và khai thác mở rộng ra khu vực ngoại ô như xây dựng tour về thăm Làng hoa Thái Phiên, làng hoa Vạn Thành, thăm trang trại dâu công nghệ cao Biofresh…Đặc biệt là điểm du lịch Đà Lạt Sao với công trình đường hầm điêu khắc độc nhất vô nhị ở Việt Nam hiện nay. Với chiều dài 1,2km, một Đà Lạt thu nhỏ được chạm khắc một cách công phu bằng đất sét mang cho đến cho du khách một sự choáng ngợp về ý tưởng và sáng tạo. Với công trình này, ông Trịnh Bá Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sao Đà Lạt hy vọng sẽ đón được ba ngàn du khách ở năm đầu khai thác và không ngừng tăng lên theo từng năm. “Với sự tái hiện lại không gian hình thành và phát triển của Đà Lạt, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến du khách rằng: Đà Lạt có một nền văn hóa, đời sống văn hóa dân tộc đặc trưng, có một không gian kiến trúc nhỏ nhưng độc đáo và một thành phố hoa rất đẹp, một khí hậu tuyệt vời, cảnh quan thiên nhiên trời cho. Từ đó mọi người thấy rằng Đà Lạt là một nơi đáng đến để cảm nhận được các nền văn hóa, kiến trúc, qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thành phố này”.



Trong cơ cấu GDP của TP Đà Lạt, tỷ trọng ngành công nghiệp du lịch được xác định từ 70-75%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để du lịch thực sự là điểm mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn thì ngay lúc này, địa phương nên tập trung đa dạng hóa sản phẩm, khai thác những nét đặc trưng vùng miền như du lịch café, du lịch chè, du lịch rau quả…mà một số doanh nghiệp đã và đang làm. Sự đa dạng về sản phẩm sẽ giúp cho du khách có nhiều lựa chọn hơn khi đến với thành phố ngàn hoa du lịch, đây được xem là yếu tố đầu tiên quyết định để thu hút du khách bốn phương.

Bình luận