Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyển đổi số trong xuất bản – Cần nguồn nhân lực mới

(VOH) - Theo thống kê cho thấy tại các nước Đông Nam Á, số lượng người dùng nền tảng số nói chung đã chạm mốc 310 triệu người vào cuối năm 2020, thay vì năm 2025 như dự đoán trước đó.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này thể hiện nhu cầu tất yếu của việc số hóa trong các lĩnh vực chính là bước đệm phải có để phục hồi kinh doanh và chạy đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, đã và đang mở ra những cơ hội lẫn thách thức cho rất nhiều ngành nghề, ở khắp nơi trên thế giới. Như nhiều lĩnh vực khác, lĩnh vực xuất bản vừa chịu ảnh hưởng cũng đồng thời có những cú hích đổi mới và thích nghi vì đại dịch Covid-19.

Ngành xuất bản, phát hành xác định chuyển đổi số là một mệnh lệnh hàng đầu. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong thời đại hiện nay.

chuyen-doi-so-trong-xuat-ban-can-nguon-nhan-luc-moi
Tại Việt Nam, ebook phát triển về số lượng lẫn chất lượng những năm gần đây, giúp bạn đọc được tiếp cận nhiều tác phẩm đặc sắc và hình thành thói quen đọc sách mới. Ảnh: SGGP

Với nhiều nước phát triển, chuyển đổi số trong xuất bản đã được tiến hành khá lâu thông qua các hình thức đa dạng. Chẳng hạn, người dùng sau khi trả phí sẽ sử dụng nền tảng số như một thư viện cá nhân, mỗi cuốn sách họ sở hữu có một mã kích hoạt để sử dụng được cả ba phần là đọc, nghe hoặc đặt mua sách in.

Ngoài tính năng cơ bản, sách điện tử còn được kiến tạo những tương tác gần với thực tế, chứa đựng nhiều tiện ích sinh động… Khi internet đã trở nên quá phổ biến, việc tiếp cận sách điện tử ngày càng dễ dàng hơn.

Gần 10 năm qua, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sách điện tử tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương – Trưởng Phòng sachweb Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM cứ ngỡ rằng khi người đọc đã dùng nhiều thiết bị điện tử, nắm bắt đúng xu thế thì xuất bản điện tử sẽ vô cùng thuận lợi nhưng thực tế là nhiều thách thức cho ngành xuất bản ebook khi bắt tay vào làm sách điện tử.

Đầu tiên có thể kể đến là nạn vi phạm bản quyền, làm thị trường sách điện tử có bản quyển bị thu hẹp.

"Dùng thiết bị điện tử để đọc sách điện tử chỉ ở những khu vực có công nghệ thông tin phát triển. Đối với vùng sâu vùng xa, mạng internet chưa tới thì làm sao mà đọc sách điện tử được.

Thách thức nữa là nền tảng công nghệ. Nói gì thì nói nền tảng công nghệ để xuất bản, sản xuất và phát hành một phiên bản điện tử là điều tiên quyết", bà Diễm Phương chia sẻ.

“Trong cái khó ló cái khôn”, các nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã có giải pháp hiệu quả, thiết thực. Đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số. Chính sự chuyển đổi số giúp phát triển xuất bản, giúp cho văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi.

Nếu như sách giấy đã có vị trí riêng trong lòng độc giả thì các ấn phẩm số đã ngày càng khẳng định sức hút, khả năng đáp ứng nhu cầu linh hoạt của người đọc hiện đại. Bước đi đầu tiên của các nhà xuất bản là số hóa kho dữ liệu của từng đơn vị để sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, sách đọc dạng sách online, pdf  hay sách thực tế ảo AI đã khá quen thuộc trên thị trường xuất bản thời gian qua. Sách nói - Audio book đã có bước phát triển mạnh.

Ông Lê Hoàng Thạch – Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ WeWe chia sẻ trong quá trình làm sách nói: "Việc ứng dụng công nghệ, hiện tại VoizFM có một giọng đọc trí tuệ nhân tạo. Giọng đọc này không giống giọng đọc Google vì đây là giọng đọc chúng tôi tự thu âm, tự phát triển bằng cách phân tích dữ liệu.

Chúng tôi chọn những phổ từ phổ biến trong sách xuất bản, chất lượng ngôn ngữ ra sẽ mềm mại hơn. Những ngôn ngữ đó thì chỉ có thể đọc những sách kỹ năng kinh doanh, còn sách văn học cần cảm xúc thì vẫn cần giọng đọc thực tế".

Với giọng đọc trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đỡ tốn thời gian sản xuất mà tập trung trau dồi các kỹ năng ra sản phẩm cuối cùng, giảm chi phí hơn cho các đơn vị, giúp người dùng thụ hưởng tốt hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn. Việc ứng dụng chuyển đổi số đã được tiến hành hiệu quả.

Nhưng để đi nhanh, bắt kịp xu thế thế giới hơn nữa thì cần có nền tảng chung. Bà Diễm Phương – Trưởng Phòng sachweb Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố kỳ vọng: "Chuyển đổi số này ở các cơ quan quản lý sẽ tạo ra hệ sinh thái chung để các nhà làm sách vừa tập trung vừa lan tỏa. Trên sàn đó, chúng ta tập trung các nhà làm sách lại, có thể khai thác sách của nhau cùng với đó, bạn đọc đến một nơi thôi có thể khai thác, đọc nhiều đầu sách".

Còn ông Nguyễn Đình Bảo – Giám đốc Công ty Cổ phần Joikids gửi gắm: "Tôi mong muốn hình thành thói quen hoặc các chương trình đi vào trường, tạo thói quen đọc, các bé đọc rồi thì lớn lên sẽ có thói quen đọc, sẽ tạo thành hiệu ứng, lan tỏa nhanh hơn".

Xu hướng chuyển đổi số trong xuất bản là điều tất yếu trong tiến trình hiện nay mà câu chuyện đầu tiên là thay đổi nhận thức, thay đổi nhận thức người làm sách và thay đổi nhận thức của người đọc. Bên cạnh đó còn có chính sách đầu tư cho khuyến khích xuất bản điện tử.

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục xuất bản in phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, mong muốn các đơn vị, công ty làm sách mạnh dạn hơn nữa trong chuyển đổi số và phải tuân thủ bản quyền theo luật định. Trong đó yếu tố con người sẽ quyết định sự nhanh hay chậm trong chuyển đổi số trong xuất bản: "

Đã gọi là chuyển đổi số phải có nhân lực chuyển đổi số. Không thể có chuyện chúng ta vẫn tư duy cũ, con người cũ để có câu chuyện mới.

Hôm nay chúng ta thấy mô hình biên tập viên, mô hình người bán sách khác hoàn toàn. Biên tập bây giờ có sự tương tác rất mạnh với tác giả, độc giả. Nhiều biên tập viên trở thành người truyền thông rất hay, truyền thông cho nhà xuất bản, ngành xuất bản".

Bình luận