Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 9 thông qua nghị quyết

(VOH) – Sau một ngày làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM mở rộng lần thứ 9 đã kết thúc sau khi thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỉ lệ nhất trí cao (100%).

Thực hiện Chương trình làm việc năm 2021 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI mở rộng lần thứ 9 được tổ chức vào ngày 14/102021.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, có thảo luận tại Hội trường 03 điểm cầu. Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì Hội nghị.

hội nghị thành ủy mở rộng
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM mở rộng lần thứ 9 thông qua nghị quyết

Trước khi bắt đầu Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ đồng bào, đồng chí đã qua đời vì dịch COVID-19.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ phát biểu khai mạc Hội nghị. Nhấn mạnh bối cảnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã từng bước được kiểm soát, thành phố đang nỗ lực cao hơn để thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; tròn 1 năm diễn Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, là dịp để đánh giá, kiểm điểm kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Hội nghị thảo luận kỹ, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, dự báo thời gian cuối năm, phân tích rõ khó khăn, thách thức, hạn chế yếu kém cần khắc phục, tìm nguyên nhân chủ quan, giải pháp khả thi để phân bổ nguồn lực; tìm giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, phát huy đội ngũ doanh nhân thành phố trong bối cảnh mới.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thảo luận và cho ý kiến về 4 nội dung trọng tâm gồm: Dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 09 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021; Dự thảo Báo cáo kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách 09 tháng đầu năm; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021; Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” và Dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.

Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đã điểm lại những dấu ấn và đề xuất các giải pháp cho ngành y tế trong bối cảnh mới, nhất làm xây dựng nền tảng để sẵn sàng phòng, chống nếu dịch quay trở lại; đánh giá kết quả công tác đảm bảo an sinh xã hội với chủ trương sớm, triển khai nhanh, chủ động, đúng thẩm quyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để sót đối tượng khó khăn; nhìn nhận các vướng mắc trong quá trình triển khai. Các đại biểu đã đánh giá, phân tích nguyên nhấn, dự báo và đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất.

Các đại biểu đề xuất cần sớm biểu dương các đột phá, sáng tạo trong phòng chống dịch vừa qua, tiếp tục chăm lo các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch, tri ân các lực lượng, các địa phương đã hỗ trợ thành phố.

Thành phố sẽ đổi tên, bổ sung chức năng nhiệm vụ Ban Chỉ đạo là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Trạng thái hiện nay của thành phố vẫn chưa là bình thường mới, mà đang trong quá trình chuyển đổi, cần có lộ trình và bước đi phù hợp.

Về kinh tế - xã hội, dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2021 là rất khó khăn, UBND thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp để tăng thu hợp lý và chăm lo, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu bền vững. Cần phải phối hợp thật nhuần nhuyễn giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, phối hợp giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các địa phương rà soát, đánh giá lựa chọn chỉ tiêu cần phấn đấu đạt được trong thời gian còn lại của năm.

Về các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành chủ lực, có tác động lan toả, dẫn dắt, đóng góp ngân sách lớn… Chuẩn bị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội. Tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế tại Khu đô thị Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022, có khung chính sách cho người già neo đơn, trẻ mồ côi do COVID-19; đề án nhà ở cho người thu nhập thấp; bổ sung hoàn thiện kế hoạch tổ chức dạy và học, tiêu chí trường học an toàn, tiêm vaccine cho học sinh ngay khi có điều kiện; ghi nhận, tri ân, khen thưởng các lực lượng phòng, chống dịch với nhiều hình thức; tưởng niệm những người đã mất do COVID-19.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỉ lệ nhất trí cao (100%).

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

Đánh giá 9 tháng năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã cơ bản duy trì một số hoạt động kinh tế - xã hội thiết yếu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận đạt được kết quả khá quan trọng, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố có nhiều nỗ lực; đoàn kết, sáng tạo trong cách làm, huy động được sức mạnh của Nhân dân, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, còn một số nơi chưa nắm chắc tình hình nhân dân; hệ thống y tế cơ sở, hệ thống chính trị cơ sở bộc lộ sự quá tải khi chăm lo cho người dân trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch. Thành phố rút ra nhiều bài học sâu sắc không chỉ trong phòng, chống dịch mà còn trên nhiều lĩnh vực khác.

Các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới:

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Xác định công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả trong giai đoạn “bình thường mới”. Từng bước mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn, có trọng tâm trọng điểm, “an toàn đến đâu mở cửa đến đó”, không nôn nóng nhưng không để lỡ cơ hội. Tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá tổng thể kết quả và những tồn tại, hạn chế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở làn sóng lây nhiễn lần thứ tư. Khẩn trương ban hành và triển khai hiệu quả chiến lược Y tế - trụ cột của công tác phòng, chống dịch.

2. Về chiến lược, kế hoạch phục hồi kinh tế: Không chùn bước, quyết tâm, quyết liệt để thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm mở cửa phục hồi kinh tế, biến “nguy thành cơ”, biến “đau thương thành hành động”; quyết tâm phục hồi mạnh mẽ sau khó khăn. Chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh. Khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp để tái cấu trúc một số ngành, lĩnh vực quan trọng để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Tập trung phân tích, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của thành phố; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Tiếp tục đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Khẩn trương đề xuất và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là về tiếp cận nguồn vốn, nguồn lao động.

3. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần rà soát, nghiên cứu kỹ, xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Chú trọng bố trí vốn để thực hiện các chương trình trọng điểm và các chiến lược, kế hoạch cụ thể của Nghị quyết số 05 ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch vốn đã được duyệt; đồng thời triển khai các cơ chế, giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn phục vụ yêu cầu phát triển thành phố.

4. Tập trung triển khai có kết quả chiến lược xã hội: Tổ chức đợt hoạt động “Thành phố Hồ Chí Minh tri ân” từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 đối với các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu; lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên… Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố và Trung tâm an sinh thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Tập trung tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đề nghị hỗ trợ người dân khó khăn. Tập trung thực hiện gói an sinh đợt 3 bảo đảm theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có sai phạm. Tiếp tục vận động người dân yên tâm ở lại thành phố và tổ chức đưa người dân có nhu cầu về quê bảo đảm chu đáo, an toàn. Tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, hợp tác công tư để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để giãn dân và cải thiện môi trường sống; có chiến lược, lộ trình cụ thể triển khai Chương trình xây dựng 01 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và những người có thu nhập thấp. Khẩn trương giải quyết những bất cập khi học trực tuyến kéo dài đối với học sinh các cấp, nhất là học sinh tiểu học. Chủ động xây dựng kịch bản trường học an toàn, có kế hoạch sẵn sàng mở cửa khi bảo đảm các điều kiện an toàn về dịch bệnh.

5. Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận: Làm tốt công tác tư tưởng trong tình hình mới, phát huy vai trò của hệ thống truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Công tác truyền thông phải chủ động, đi trước, thông điệp rõ ràng, nhất quán, “nói dân hiểu, dân thông, dân ủng hộ, thực hiện” bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Làm tốt công tác dân vận, tập hợp, huy động sức mạnh nhân dân.

Bình luận