Chờ...

Nhân sự Đại hội XIII của Đảng phải là tinh hoa của Đảng, của dân tộc

(VOH) - Ngày 29/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục họp bàn về công tác nhân sự.

Công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự tại mỗi kỳ Đại hội Đảng nói riêng luôn có vị trí đặc biệt quan trọng với đất nước, được Đảng ta xác định là công việc hệ trọng, then chốt, liên quan mật thiết đến vận mệnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước. Nhiều đại biểu kỳ vọng, nhiệm kỳ này công tác nhân sự được chuẩn bị bài bản, thận trọng, chặt chẽ, dân chủ, công tâm, chắc chắn sẽ lựa chọn được những cán bộ ưu tú nhất.

nhan-su-dai-hoi-xiii-voh.com.vn-anh1
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp, sáng 28/1. (Ảnh: TTXVN)

Điểm mới của công tác nhân sự lần này là quy trình 5 bước, từ đại hội cấp cơ sở cho đến nhân sự Đại hội XIII của Đảng thực hiện chặt chẽ, khoa học, dân chủ khách quan.

Trong đó, nhân sự đặc biệt của Đại hội XIII được thực hiện dày đặc hơn với quy trình 2 vòng, 8 bước.  

Theo nhiều đại biểu, việc thực hiện chặt chẽ như vậy, trước hết thể hiện trách nhiệm của tổ chức Đảng về quản lý con người. Quy trình đó còn tạo ra góc nhìn đa dạng và đầy đủ hơn, giúp chọn lọc được nhân tố tài năng, chọn lọc được nhân sự có đủ tâm, đủ tầm.

Đại biểu Hồ Văn Mừng, đoàn Khánh Hòa, cho rằng: "Tất cả các bước của quy định giúp cho Đảng chúng ta chọn được cán bộ đủ phẩm chất đạo đức đủ năng lực đồng thời trong các quy trình nhân sự đều có lấy ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân nơi cư trú và cán bộ công tác.

Như vậy là thêm một phần giám sát của nhân dân đối với đồng chí cán bộ đó. Chính khu dân cư đó biết rõ anh nhất. Tôi nghĩ là quy trình 5 bước hiện nay chúng ta rất chặt chẽ và rất kỳ vọng là tại Đại hội lần này chúng ta sẽ chọn được các đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảm bảo đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để xây dựng Đảng ta tiếp tục phát triển vững mạnh và đất nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới".

Có thể khẳng định, công tác nhân sự đã được Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị bài bản, chu đáo. Không chỉ quy trình tuyển chọn nhiều tầng, nhiều nấc, nhiều vòng, mà khi có cán bộ nguồn, Đảng ta đã tổ chức nhiều lớp đào tạo do các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng trực tiếp đứng lớp trong các lớp cán bộ nguồn được tổ chức suốt 2 năm qua.

Điểm đặc biệt nữa ở kỳ Đại hội XIII này về công tác nhân sự là nước ta cùng với thế giới trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Đó là đại dịch Covid 19 được đánh giá là cả trăm năm mới có một đại dịch tác động ghê gớm đến như vậy nhưng nhiều cán bộ từ cơ sở cho tới Trung ương, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã thể hiện bản lĩnh, tài thao lược về điều hành, chỉ đạo, đã đưa địa phương và đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, trở thành điểm sáng hiếm hoi trên thế giới.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM bày tỏ: "Tôi hoàn toàn đặt niềm tin từ quá trình xây dựng Báo cáo chính trị cũng như các văn kiện của đại hội lần này. Việc xây dựng một Ban Chấp hành khóa mới cũng sẽ đặt trong một khuôn khổ khoa học và đủ tâm, đủ tầm như vậy.

Được thừa hưởng cả kinh nghiệm bảo tồn, cả kinh nghiệm phát triển và thể hiện đội ngũ năng động, tôi tin rằng đội ngũ Ban Chấp hành mới sẽ đưa đất nước vào chặng đường phát triển mới".

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong công tác nhân sự và xây dựng đảng, cùng với việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức thì cũng phải có những biện pháp bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm và có nhiều sáng tạo, phục vụ lợi ích chung.

Bởi để từng địa phương, đất nước phát triển thì cần có sự đột phá. Khi có sự sáng tạo trong điều hành quản lý để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất thì sẽ lan tỏa được tinh thần sáng tạo và dấn thân của toàn dân.

Đại biểu Nguyễn Minh Tuấn, Đoàn Yên Bái kỳ vọng: "Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần này sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đủ bản lĩnh chính trị, đủ đạo đức uy tín và năng lực và đặc biệt là luôn đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Tôi tin rằng với niềm tin và khát vọng như tinh thần của Đại hội lần này thì Việt Nam của chúng ta sẽ trở thành một nước phồn vinh và hạnh phúc và đặc biệt là niềm tin của nhân dân sẽ được tăng lên rất nhiều trong thời gian tới".

Nội dung các hoạt động ngày làm việc thứ 3 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày 28/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận các văn kiện trình Đại hội XIII.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội điều hành phiên thảo luận. Trong phiên thảo luận, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng là nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Tham luận tại đại hội, dưới góc độ cải cách hành chính góp phần minh bạch nền công vụ, phòng chống tham nhũng, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết, triển khai chỉ trong vòng 1 năm Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 2.700 trên 6.790 thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, đã có hơn 80 bộ, ngành, địa phương đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ và tất cả 63 tỉnh, thành. Số tiền tiết kiệm được nhờ đó lên đến 8.000 tỷ đồng.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà đề xuất: "Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính phải gắn cải cách hành chính với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống trị trong sạch vững mạnh.

Ngay sau Đại hội khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Sớm xây dựng cơ chế khuyến khích khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức tận tụy phục vụ nhân dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và đội ngũ công chức, viên chức".

Thông tin tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Trực - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, nhiệm kỳ qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung cũng như của ngành kiểm tra nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giữ gìn sự đoàn kết, trong sạch của Đảng.

Con số 1.300 tổ chức Đảng và gần 70.000 đảng viên, trong đó có nhiều người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị kỷ luật là minh chứng rõ cho quyết tâm ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng của Đảng.

Những kết quả đó đã để lại những bài học kinh nghiệm quan trọng cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong nhiệm kỳ tiếp theo: "Các cấp ủy tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát một cách chủ động thường xuyên liên tục theo tinh thần lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm trọng điểm trong đó coi trọng giám sát để nhắc nhở cảnh báo chủ động phòng ngừa việc xử lý kỷ luật nghiêm minh xong cần phải trên tinh thần nhân văn trị bệnh cứu người vi phạm của đảng viên, nhất là vi phạm có liên quan đến tham nhũng thì cần phải được phát hiện trước hết từ trong nội bộ tổ chức đảng để sớm ngăn chặn ngay từ đầu khi mới manh nha, tránh không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng".

Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là chủ đề tham luận của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.  

Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và hội nhập sâu rộng trong dòng chảy chung của toàn cầu.

Năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam tăng 16 bậc trong vòng 10 năm từ vị trí thứ 58 năm 2009 lên vị trí thứ 42 trong năm 2019.

Đại biểu Trần Tuấn Anh khẳng định: "Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực, các cam kết trong tổ chức thương mại thế giới WTO và các cộng đồng kinh tế Asean, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu chủ động linh hoạt trong phản ứng chính sách để ứng phó với các thay đổi từ bên ngoài trên cơ sở giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô của đất nước.

Thực hiện có hiệu quả chủ trương định hướng của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng dựa vào các lợi thế cạnh tranh động, tức là tay nghề của người lao động năng lực sáng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… thay vì các lợi thế cạnh tranh tính kém bền vững và dài hạn hơn, chẳng hạn như tài nguyên lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi để khu vực đầu tư nước ngoài có thể gắn kết chặt chẽ hơn và đóng góp nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và giá trị tạo ra trong nước".

Phát biểu kết thúc phiên làm việc buổi sáng, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về các văn kiện Đại hội, đã có 36 đại biểu phát biểu tham luận và 788 ý kiến phát biểu tại Đoàn về các văn kiện Đại hội XIII.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Đoàn Thư ký Đại hội đã thông báo về việc tiếp tục có thêm 83 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi điện, thư chúc mừng đến Đại hội XIII của Đảng. Như vậy, tính đến ngày 26/1/2021 đã có 298 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi điện, thư chúc mừng Đại hội.

Đầu giờ buổi chiều, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết.